17:07:44 | 28/2/2025
Tại Hội thảo "Cách mạng xanh cho ngành vận tải - Chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP.Hồ Chí Minh (VCCI - HCM) phối hợp với Công ty Inno-F tổ chức, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI - HCM nhấn mạnh việc chuyển đổi sang một hệ thống vận tải - logistics xanh đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững cũng như tiết kiệm tối đa chi phí cho các doanh nghiệp,…
Điều này càng có ý nghĩa đặt trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI - HCM phát biểu
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cũng đã giới thiệu nhiều giải pháp quan trọng nhằm giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải carbon trong ngành vận tải, đơn cử như sản phẩm Mr. Rocket của Công ty Inno - F. Đây là một loại phụ gia chất làm mát giúp hòa tan trong dung dịch làm mát động cơ, qua đó giúp giảm đáng kể lượng khí thải phát ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. |
Chia sẻ cụ thể hơn, người đứng đầu VCCI - HCM cho biết tuy giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế nhưng vận tải - logistics lại là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa tạo ra lượng khí thải carbon lớn, chiếm tới khoảng 8% tổng lượng khí thải carbon trên toàn thế giới, đóng góp đáng kể vào sự nóng lên toàn cầu. Đây cũng chính là động lực để các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh triển khai hàng loạt chính sách, giải pháp công nghệ nhằm giảm phát thải trong lĩnh vực này, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường cũng như tối ưu hóa hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp; trong đó đặc biệt chú trọng đến giải pháp vận tải xanh - logistics xanh.
Bắt nhịp với xu thế chung, ngành logistics Việt Nam với vai trò huyết mạch của nền kinh tế cũng đã đẩy mạnh việc giảm phát thải thông qua các giải pháp vận tải xanh - logistics xanh (đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại; đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình vận chuyển; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường; tối ưu hóa tuyến đường và áp dụng các công nghệ tiên tiến…). Đặc biệt chính quyền các thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng đã đầu tư phương tiện, hệ thống hạ tầng liên quan nhằm đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. "Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu cùng bất ổn địa chính trị thế giới, vận tải xanh - logistics xanh là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là sự đồng hành bắt buộc đối với ngành vận tải trong việc thực thi cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" - ông Liêm nhấn mạnh.
Cũng xoay quanh vấn đề cắt giảm khí nhà kính của ngành vận tải - logistics, PGS. Trần Quốc Thịnh - Đại học Ritsumeikan (Kyoto - Nhật Bản) cho biết trong số các ngành có phát thải khí nhà kính cao thì phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải chiếm tới 22% - một con số đáng báo động. Chính vì vậy để giảm thiểu khí nhà kính của ngành vận tải - logistics, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kinhs theo "Đóng góp không điều kiện" trong đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, PGS. Trần Quốc Thịnh đề xuất 5 giải pháp gồm: Chuyển đổi sang phương tiện sạch, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường (xe điện (EV), xe hybrid hoặc phương tiện chạy bằng hydro), khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng chạy bằng điện hoặc năng lượng tái tạo; Cải thiện hiệu suất nhiên liệu thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện truyền thống; Phát triển nhiên liệu thay thế như nhiên liệu sinh học, hydro, hoặc các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch; Quy hoạch mạng lưới giao thông theo hướng bền vững, ưu tiên xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, giảm ùn tắc và khuyến khích đi bộ, đi xe đạp; Đưa ra các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án giao thông xanh và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp, đồng thời cũng là một chuyên gia trong ngành, ông Nguyễn Duy Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế trong phát triển vận tải xanh - logistics xanh nhờ sớm tiếp cận với những phương án quản lý hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi cùng mạng lưới công nghệ thông tin phát triển. Một thuận lợi nữa là các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp sử dụng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải - logistics đều quan tâm tới phát triển logistics xanh bền vững và đây thực sự là một tín hiệu rất đáng mừng.
Tuy nhiên quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp ngành vận tải - logistics cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đầu tiên là bài toán về chuyển đổi và vận hành phương tiện xanh như: chi phí đầu tư cao, mạng lưới giao thông công cộng kém phát triển, hạn chế về nguồn nhiên liệu sạch, hạn chế công nghệ… Cùng với đó là khó khăn tìm nguồn tài chính để đầu tư, chưa có kết nối giữa doanh nghiệp vận tải và các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính. Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào công nghệ xanh; chưa có cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để cùng đầu tư hạ tầng xanh…Ngoài ra còn phải kể đến những yếu tố khách quan gây khó khăn cho công cuộc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp như: chính sách chưa đồng bộ; sự thay đổi trong phương thức mua sắm của người tiêu dùng (thương mại điện tử); hạ tầng giao thông chưa bắt kịp nhu cầu phát triển của xã hội….
Theo ghi nhận của Phó Chủ tịch VLA, trong số những rào cản chủ quan lẫn khách quan trên thì yếu tố cơ sở hạ tầng có tác động mạnh nhất đến việc triển khai các giải pháp logistics xanh tại doanh nghiệp. Chính vì vậy để cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, về phía Chính phủ cần có những chính sách, biện pháp để phát triển hạ tầng cung ứng nhiên liệu sạch (điện, hydro) hạn chế nhập khẩu phụ thuộc; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ được hợp tác với các công ty lớn để cùng đầu tư và chia sẻ chi phí. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vận tải xanh như: giảm phí cầu đường, thuế phí dành cho xe điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu sạch…Xem xét tái cơ cấu loại hình vận tải theo hướng tăng thị phần vận tải hàng hóa đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển; tăng thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị. Nghiên cứu xây dựng nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp vận tải và các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính. Về phía các Hiệp hội cần có đề án nghiên cứu kết nối vận tải, đưa ra "luật chơi" đảm bảo quyền lợi cho các hội viên tham gia để các bên có động lực tham gia kết nối, trao đổi tối ưu với nhau về năng lực vận tải, giảm lãng phí xe chạy không hàng nhằm tối ưu chi phí vận hành xe.
Về phía các doanh nghiệp, ông Minh cho biết khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp vận tải - logistics Việt Nam hiện nay để thực hiện công cuộc "“xanh hóa”" nằm ở vấn đề tài chính. Chính vì vậy các doanh nghiệp cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. "Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh các hoạt động “xanh hóa” nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp mình. Việc thực hiện tốt hoạt động vận tải xanh - logistics xanh không chỉ là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp mà còn là hướng đi tất yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế" - Phó Chủ tịch VLA khuyến nghị.
Mỹ Châu (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc