10:05:16 | 4/3/2025
Đây sẽ là lần đầu Việt Nam giữ chức Chủ tịch SPLOS kể từ khi gia nhập UNCLOS.
Ngày 27/2 vừa qua, nhóm các thành viên châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Chủ tịch Hội nghị lần thứ 35 các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển (SPLOS).
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò quan đảm nhiệm cương vị Chủ tịch SPLOS kể từ khi gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1994.
Dự kiến, Chủ tịch Hội nghị chính thức được bầu ngay trước thềm Hội nghị, diễn ra từ ngày 23-27/6 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.
Toàn cảnh Hội nghị SPLOS-34. Ảnh: baoquote.vn
Việc được tín nhiệm đề cử không chỉ khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn thể hiện sự ghi nhận đối với những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc củng cố và thúc đẩy giá trị của UNCLOS. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm và xây dựng trong các vấn đề quản trị biển và đại dương toàn cầu.
Việt Nam là một quốc gia tuân thủ nghiêm túc UNCLOS, đóng vai trò tích cực trong việc định hình các cơ chế hợp tác quốc tế về biển. Việc đảm trách vị trí thành viên Hội đồng và Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, cũng như tham gia vào quá trình đàm phán các văn kiện quan trọng như Hiệp định BBNJ, cho thấy Việt Nam luôn chủ động trong các diễn đàn đa phương, đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ thống luật pháp quốc tế về biển.
Không dừng lại ở việc thực thi, Việt Nam còn tích cực xây dựng và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý mới. Là một trong những quốc gia đầu tiên ký Hiệp định BBNJ – văn kiện quốc tế quan trọng liên quan đến việc bảo vệ và khai thác bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia – Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quản trị biển toàn cầu dựa trên nền tảng pháp lý chặt chẽ.
Đặc biệt, việc Việt Nam đề cử ứng cử viên cho vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035 không chỉ là một bước tiến trong việc nâng cao vị thế quốc gia mà còn khẳng định chất lượng nhân sự pháp lý của Việt Nam trên trường quốc tế. Những chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn cao được Việt Nam tiến cử cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược dài hạn trong việc tham gia vào các thể chế trọng yếu của UNCLOS.
Bên cạnh đó, sáng kiến đồng sáng lập Nhóm các nước bạn bè UNCLOS với hơn 100 thành viên là một minh chứng khác cho tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược của Việt Nam. Đây không chỉ là một diễn đàn nhằm thúc đẩy UNCLOS trở thành một khuôn khổ pháp lý phổ quát hơn, mà còn là cầu nối để các quốc gia cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm trong việc thực thi Công ước.
Trên cương vị Chủ tịch SPLOS, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các sáng kiến giúp tăng cường hiệu quả thực thi UNCLOS, tạo nền tảng cho một trật tự pháp lý biển minh bạch, công bằng và ổn định. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trọng trách lớn, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược tiếp cận chủ động, linh hoạt và sáng tạo, nhằm đưa ra những giải pháp khả thi, dung hòa lợi ích của các quốc gia thành viên.
Việc đảm nhận cương vị này cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế một quốc gia có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên biển. Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình khẳng định tiếng nói và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong các thể chế đa phương có tầm ảnh hưởng lớn như LHQ.
UNCLOS được thông qua ngày 10/12/1982, có hiệu lực từ từ ngày 16/11/1994 đã định hình hệ thống pháp lý toàn diện nhất về biển và đại dương trong lịch sử nhân loại. Được ví như "Hiến pháp của đại dương", Công ước này không chỉ xác định ranh giới chủ quyền trên biển mà còn quy định các nguyên tắc quản lý và khai thác tài nguyên biển một cách bền vững.
Đến nay, với 170 quốc gia thành viên, UNCLOS vẫn duy trì vai trò là khuôn khổ pháp lý nền tảng điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, từ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường đến giải quyết tranh chấp. Điều này khẳng định giá trị phổ quát và sức ảnh hưởng bền vững của Công ước đối với hệ thống luật pháp quốc tế.
Là một trong những cơ chế quan trọng được thiết lập theo UNCLOS, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về Luật Biển (SPLOS) được tổ chức hàng năm dưới sự triệu tập của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Đây là diễn đàn để các nước đánh giá việc thực thi Công ước, thảo luận những vấn đề nổi lên và đề xuất biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm UNCLOS được thực thi hiệu quả hơn.
Việc Việt Nam được đề cử vào vị trí Chủ tịch Hội nghị SPLOS lần thứ 35 là một dấu mốc quan trọng, phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong quản trị biển và đại dương. Trong bối cảnh các tranh chấp trên biển ngày càng phức tạp và những thách thức mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển trở nên cấp bách hơn, vị trí này mang lại cơ hội để Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác biển, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và khẳng định vai trò của một quốc gia thành viên UNCLOS có trách nhiệm.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc