Tăng lực hấp dẫn cho các khu công nghiệp Việt Nam

09:32:16 | 26/5/2010

Qua 18 năm xây dựng và phát triển, các KCN Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với công cuộc phát triển công nghiệp, kinh tế-xã hội và trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Điểm đến của các thương hiệu toàn cầu

Việc Chính phủ Việt Nam tích cực mở cửa thị trường theo cam kết gia nhập WTO; quy mô dân số ngày càng lớn; thu nhập bình quân đầu người, thị trường tiêu dùng đang có xu hướng tăng... là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam, tạo đà cho các KCN, khu chế xuất phát triển. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm các KCN đóng góp khoảng 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đạt bình quân 70 lao động trực tiếp/ha.

Tính đến hết năm 2009, cả nước đã có 249 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 63.173 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 38.858 ha, chiếm 61,5% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 162 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 38.804 ha và 74 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 14.792 ha. Các KCN phân bố ở 61 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu tại khu vực kinh tế năng động như vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long; tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp các KCN đã vận hành đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 48%.

Cũng theo thống kê, đến hết năm 2009, các KCN cũng đã thu hút được trên 3.600 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 46,9 tỷ USD (chiếm 30% về số dự án và 25% về vốn đầu tư so với cả nước) và 3.200 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 254.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 1,34 triệu lao động. Nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu toàn cầu đã đến và đầu tư vào các KCN Việt Nam như Cannon, Sam Sung, Formosa sản phẩm chủ yếu xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cao. Trình độ công nghệ của các dự án đầu tư vào KCN cũng ngày càng nâng lên, chuyển dần từ công nghệ thấp sử dụng nhiều lao động đơn giản sang sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch với lao đông chất lượng cao, phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Về hoạt động sản xuất, tính riêng trong năm 2009, các doanh nghiệp KCN đã tạo ra 12,2 tỷ USD và 67,9 nghìn tỷ đồng doanh thu; xuất khẩu đạt 12,3 tỷ USD và 2,6 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 689 triệu USD và 4 nghìn tỷ đồng. Tại một số tỉnh/thành phố, các KCN đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm...

Thêm đòn bẩy phát triển

Tại hội nghị quốc tế VietIP 2010 diễn ra tại Tp.Hồ Chí Minh đầu tháng 5/2010, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Đặng Huy Đông đã đưa ra 4 định hướng mới cho các KCN tại Việt Nam. Theo đó phát triển các KCN cần đảm bảo hình thành hệ thống các KCN liên hoàn (cluster) có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia; thúc đẩy phát triển các KCN trên các vùng tránh quá tập trung, tạo ra sự chênh lệch quá lớn về phát triển, thông qua tác động của chính sách và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ hai, phát triển các KCN hiện có theo chiều sâu và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động theo hướng lấp đầy diện tích đất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu bên trong thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các ngành công nghệ cao như thông tin, cơ điện tử, công nghệ sinh học; chuyển mạnh từ công nghiệp gia công sang công nghiệp chế biến các nguyên liệu trong nước sẵn có và công nghiệp chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo khả năng cạnh tranh. Thứ ba, không xây dựng, phát triển các KCN xen lẫn khu dân cư, trên diện tích đất nông nghiệp có năng suất ổn định; đối với doanh nghiệp hiện đang phát sinh ô nhiễm, cần có kế hoạch di chuyển các cơ sở sản xuất hàng ra ngoài đô thị, đồng thời hướng các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường vào KCN được có quy định. Cuối cùng phát triển KCN phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN; chăm lo điều kiện làm việc, đời sống và nhà ở cho người lao động; giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp KCN.

Cũng theo ông Đông, để khởi công thực hiện 4 định hướng trên, Bộ Kế hoạch Đầu tư đang chủ trì đề án thiết kế bản đồ số các KCN Việt Nam. Khi được hoàn thành, nhà đầu tư chỉ cần nhấp chuột là lấy được thông tin chi tiết về các KCN từ Bắc vào Nam. Bộ rất mong các doanh nghiệp FDI tham gia vào việc xây dựng bản đồ số này vì đây là sự tương tác 2 chiều giữa Bộ và nhà đầu tư, tiến tới chuẩn hóa qui trình cấp giấy phép đầu tư và giảm thiểu các chi phí phát sinh không vần thiết.

Cùng với định hướng phát triển và những nỗ lực nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho các KCN Việt Nam từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thêm một tín hiệu lạc quan cho các KCN Việt Nam là ngay tại VietIP 2010, Trung tâm Xúc tiến đầu tư VietIP cũng đã được thành lập. Đây có thể coi như một đòn bẩy thúc đẩy đầu tư vào các KCN - KCX của Việt Nam. Trung tâm Xúc tiến đầu tư VietIP sẽ trở thành tổ chức liên kết tất cả Ban Quản lý các KCX - KCN và khu kinh tế cả nước, cùng với hơn 75 tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tập trung chủ yếu vào việc quảng bá, tiếp thị, tư vấn và môi giới đầu tư vào các KCX - KCN... một cách chuyên nghiệp và có định hướng lâu dài.

Ngự Bình