11:45:29 | 30/9/2013
Vẫn biết nguồn lợi kinh tế do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là rất lớn, song hiện nay có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI mà chủ sở hữu hoặc đại hiện hợp pháp của chủ sở hữu DN đã “bỏ trốn” hoặc vắng mặt lâu ngày, không điều hành khiến nhiều DN phải ngừng hoạt động. Các vấn đề trả lương cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội..., theo đó ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn doanh nghiệp FDI.
Thực trạng báo động
Hiện theo thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số các doanh nghiệp “bỏ trốn” có vốn đầu tư nước ngoài FDI đã lên đến mức đáng báo động - 500 DN. Các doanh nghiệp này lại trải đều trên địa bàn cả nước.
Ngoài ra, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua do tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều bất ổn nên đã có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng như các công ty mẹ ở nước ngoài, dẫn tới việc có nhiều doanh nghiệp FDI phải ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được. Theo thống kê tại cuộc họp mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì số 500 doanh nghiệp “bỏ trốn” này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đa số có chủ đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc và thường đăng ký thực hiện các dự án có quy mô nhỏ (dưới 500.000 USD). Nguyên nhân chính được phân tích chủ yếu là do hầu hết các doanh nghiệp làm ăn không có lãi, thậm chí thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI này hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh không lành mạnh, nhằm trục lợi và khi huy động được vốn, chủ đầu tư nước ngoài liền bỏ về nước, bỏ lại các vỏ doanh nghiệp tại nước sở tại.
Chủ đầu tư Công ty TNHH Ado Vina tại P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương đã bỏ trốn |
Một nguyên nhân sâu sắc khiến tình trạng này xảy ra là do các lỗ hổng trong hệ thống luật pháp, các chế tài xử phạt, ràng buộc, khống chế của Việt Nam chưa đủ mạnh, dẫn đến việc các doanh nghiệp FDI này tìm cách lách luật làm lợi cho bản thân, đẩy trách nhiệm “hậu quả” cho địa phương nơi DN đầu tư.
Theo ông Hoàng, mặc dù phát hiện ra khá nhiều doanh nghiệp FDI “bỏ trốn” xong việc xử lý các doanh nghiệp loại này lại đang gặp những trở ngại rất lớn vì thiếu căn cứ pháp lý. Bởi hiện nay pháp luật Việt Nam không có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp FDI vắng chủ. Khó khăn thứ hai nằm ở việc giải thể, thanh lý doanh nghiệp vì chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn nên không có đại diện theo pháp luật để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ nên không đủ điều kiện để giải thể. Chính điều này khiến các cơ quan quản lý nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý để thanh lý dự án, giải thể doanh nghiệp do Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư đã bỏ cơ chế cơ quan Nhà nước đứng ra thực hiện thanh lý khi doanh nghiệp không tự thanh lý. Khó khăn thứ ba ở chỗ thực hiện thủ tục phá sản. Tòa án không thể thành lập được tổ quản lý, thanh lý tài sản do phải có đại diện hợp pháp của doanh nghiệp nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, không liên hệ được. Cũng do vậy, Toà án sẽ không thụ lý hồ sơ vì doanh nghiệp không cung cấp được báo cáo tài chính đã được kiểm toán hợp lệ. Các chủ nợ, người lao động cũng không nộp được đơn khởi kiện tại tòa án với lý do không xác định được địa chỉ của bị đơn.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp FDI này giải thể, phá sản cũng đẩy một bộ phận lớn người lao động tới hoàn cảnh mất việc làm không có nguồn thu nhập ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hướng giải quyết
Đứng trước thực trạng nan giải này, nhiều ý kiến đồng tình rằng: cần bổ sung quy định chủ đầu tư các dự án được Nhà nước giải phóng mặt bằng, các dự án sử dụng nhiều đất hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực tác động lớn đến đời sống xã hội,… sẽ phải ký quỹ, đặt cọc; Bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước, trực tiếp là các UBND các tỉnh, thành phố được xử lý giá trị còn lại của dự án theo hình thức đấu giá. Theo đó, số tiền này sẽ được “hành xử” gửi vào tài khoản phong tỏa để xử lý theo quy định về tài sản vắng chủ. Chủ sở hữu DN FDI bỏ trốn nếu quay lại sẽ được nhận lại giá trị này sau khi đã trừ đi các chi phí và nghĩa vụ tài chính mà nhà đầu tư nước ngoài phải trả; Chỉnh sửa lại quy định pháp luật về tố tụng dân sự để tòa án được cho giải thể, phá sản DN theo yêu cầu của chủ nợ, người lao động nếu không liên lạc được với chủ sở hữu DN...
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều biện pháp chủ động rà soát và xử lý tình trạng “vắng chủ” tại nhiều địa phương. Ngày 23/8/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp của TP. Hà Nội. Trong tháng 8 và tháng 9/2013, Bộ thành lập các đoàn công tác để rà soát, kiểm tra tại 3 khu vực Bắc, Trung và Nam. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương và tìm ra những bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý đối với các trường hợp này.
Hướng xử lý chung là vậy , song cũng có nhiều chuyên gia lo ngại nguồn lực đầu tư nước ngoài FDI, ODA trước sau vẫn rất cần cho công cuộc phát triển tái thiết đất nước. Do đó, khi ban hành các điều luật mới phải bao quát hết được các trường hợp doanh nghiệp FDI bỏ trốn. Ngoài ra, các quy định pháp lý mới này cũng cần chỉnh sửa, tham khảo, cân nhắc thật cẩn trọng tránh tình trạng làm giảm sức hút đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư và cũng phải phù hợp với thông lệ đầu tư – kinh doanh quốc tế. Mặt khác cần có các biện pháp phòng ngừa phối hợp với các cơ quan liên ngành không riêng gì ngành đầu tư mà tìa chính, thuế vụ... cũng cần nhập cuộc, thanh kiểm tra các doanh nghiệp để phát hiện sớm có hình thức xử lý kịp thời tránh hậu quả lớn cho nền kinh tế.
Anh Phương