Doanh nghiệp FDI tiếp tục lấn át

09:53:15 | 30/8/2013

Điểm tiếp tục được ghi cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi số liệu thống kê cho thấy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 84,8 tỷ USD của 8 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp này đóng góp hơn 60%, đạt 52,2 tỷ USD (không kể dầu thô). Tuy nhiên, sự lệ thuộc quá lớn vào khối doanh nghiệp FDI cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Thứ nhất, tuy xuất khẩu lớn, nhưng khối doanh nghiệp FDI cũng nhập khẩu nhiều. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu của họ tập trung vào nhóm hàng có tỷ lệ gia công lớn, như điện thoại, điện tử, dệt may, da giày…

Đó là những nhóm hàng có giá trị gia tăng không cao, nên lợi ích mà Việt Nam được hưởng không nhiều. Không ít lần, các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, nếu không nhanh chóng phát triển công nghiệp phụ trợ, thì Việt Nam mãi chỉ là công xưởng làm thuê.

Thứ hai, nhìn vào nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trên, có thể thấy, nếu trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chiếm ưu thế khá lớn trong gia công hàng dệt may, da giày, thì nay lợi thế này lại thuộc về doanh nghiệp FDI.

Cụ thể là khối DN này chiếm tới 60% hàng dệt may, 77% hàng giày dép xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm.

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI khiến doanh nghiệp trong nước phải nhìn lại mình và tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng khi doanh nghiệp FDI vào ngày càng nhiều, thì sự lép vế của doanh nghiệp trong nước là điều nhìn thấy rõ. Thị trường của không ít doanh nghiệp nội đã bị mất vào tay doanh nghiệp ngoại.

Chính vì thế, câu hỏi đặt ra là, nên chăng những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt có lợi thế, có năng lực cạnh tranh, như dệt may, da giày, thì nên dành đất cho doanh nghiệp nội, bởi Việt Nam có quyền lựa chọn dự án đầu tư nào có lợi nhất cho kinh tế - xã hội quốc gia.

Thứ ba, trong sự thắng thế của doanh nghiệp FDI, thì càng lộ rõ sự yếu kém của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, về năng lực cạnh tranh, về sự chậm thích nghi với những biến động của kinh tế thế giới và về khả năng tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu được 28,7 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm gần 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nông sản hàng hóa là mặt hàng xuất khẩu chính của doanh nghiệp nội, nhưng năng lực cạnh tranh cũng không cao, giá xuất khẩu thấp đáng kể so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Chuyện xuất thô vẫn khá phổ biến, vì thế, giá trị mang về chưa lớn như kỳ vọng.

Bởi vậy, tăng cường đầu tư cho công nghiệp chế biến là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhằm vực dậy nền sản xuất trong nước đang trì trệ, èo uột sau gần 5 năm chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Nguồn: baodautu.vn