Phát triển cụm Cảng ICD: Nhu cầu cấp thiết

10:44:31 | 17/6/2010

Một trong những trở ngại hiện nay là mạng lưới giao thông ở Việt Nam cũng như ở Đồng Nai đều trong tình trạng quá tải. Chính vì vậy, ngoài tập trung nâng cấp, mở rộng một số tuyến giao thông đường bộ, thì việc xây dựng tuyến đường thủy và cụm cảng ICD là mục tiêu chiến lược của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới...

Theo lãnh đạo Cảng Sài Gòn, hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc khu vực miền Đông gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm khoảng 100 triệu tấn hàng/năm, trong đó container chuyển hàng là 70%. Tuy nhiên, tất cả hàng hóa muốn đi và về địa phương đều phải tập trung ở TP.Hồ Chí Minh. Riêng Đồng Nai, một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, nhất là về công nghiệp và xuất nhập khẩu, song các loại hàng hóa từ nơi sản xuất trong nước hoặc từ nước ngoài nhập về các doanh nghiệp, đều phải đi ngược lên TP.Hồ Chí Minh mới có thể chuyển đi và về địa phương. Cũng theo lãnh đạo Cảng Sài Gòn, Đồng Nai cũng như TP.HCM do mật độ dân số đông đã tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống dân sinh, nhất là khu vực nội thành. Trong đó, giao thông vận tải - với chức năng được xem là "mạch máu" đối với phát triển kinh tế, nhưng lại "tụt hậu" so với phát triển chung. Các KCN liên tục mở ra, thu hút đông đảo lao động ở khắp nơi đến; đồng thời, cùng với quá trình đô thị hóa vùng ven đã khiến hạ tầng giao thông không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của các loại phương tiện, gây ách tắc giao thông vào những giờ cao điểm. Nếu như các địa phương đều có cụm cảng ICD (hàng hóa xuất và nhập từ cảng chính về trạm tiếp vận, sau đó trung chuyển đến nơi tiêu thụ) thì sẽ hạn chế các loại phương tiện chuyên chở hàng hóa, container từ các KCN về TP.Hồ Chí Minh. Với những tiêu chí về cụm cảng nhóm 5, thì Đồng Nai là một địa bàn có thể xây dựng và khai thác tuyến đường thủy hiệu quả. Theo quy hoạch chi tiết về cụm cảng TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Chính phủ phê duyệt, thì khu vực cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép được xác định là cảng cửa ngõ toàn miền Nam. Điều này khi hình thành sẽ đáp ứng các loại tàu trọng tải từ 4.000 TEU (Twenty-foot equivalent units - đơn vị đo lường của container) đến 6.000 TEU.

Căn cứ vào mục tiêu phát triển khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thì trong tương lai, các KCN ở TP.Biên Hòa sẽ liên kết với các KCN và trục QL51 (kéo dài từ huyện Long Thành, Nhơn Trạch đến Bà Rịa - Vũng Tàu), hình thành những khu vực phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm... Như vậy, nếu không có cụm cảng ICD trên đất Đồng Nai thì việc xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa ở những nơi sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Hiện tại, Đồng Nai cũng đã có các cảng Đồng Nai, Cát Lái, hệ thống cảng Phước An, nhưng về lâu dài những cảng này chưa thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết cho những tàu có trọng tải lớn.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, việc phát triển cụm cảng ICD Đồng Nai là cần thiết. Bởi hiện tại, hệ thống đường bộ đang quá tải gấp 4 - 5 lần. Thời gian tới, dù có được nâng cấp thì các tuyến đường bộ sẽ vẫn tiếp tục quá tải do nhu cầu phát triển và phương tiện lưu thông chắc chắn còn tăng. Cho nên, ngoài việc tập trung đầu tư, xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ thì tỉnh sẽ chú ý đến việc mở rộng hệ thống giao thông thủy, trong đó có cụm cảng nội địa ICD. Khi đã hình thành cụm cảng ở những tuyến giao thông thủy tại khu vực sông Đồng Nai hay sông Thị Vải, sông Lòng Tàu... sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về xã hội. Trong đó sẽ giảm đáng kể thời gian vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm và có thể giảm cả tai nạn giao thông... Cũng theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, yêu cầu đặt ra hiện nay là làm sao giữa hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và kho bãi trung chuyển phải có sự liên kết chặt chẽ thì mới đáp ứng được đầy đủ những đòi hỏi cần thiết về vận tải hàng hóa sao cho thuận tiện, hiệu quả nhất. Vấn đề này UBND tỉnh sẽ giao cho Sở GTVT và các ngành chức năng liên quan khảo sát và tham mưu đề xuất các phương án tối ưu để hình thành dự án khả thi về cụm cảng ICD - Đồng Nai trong thời gian tới.

Dự báo đến năm 2010, lượng hàng từ khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu qua cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ đạt trên 52 triệu tấn. Trong đó, TP.HCM là hơn 26 triệu tấn, Đồng Nai 12 triệu tấn và Bà Rịa - Vũng Tàu 14 triệu tấn. Đến năm 2020, lượng hàng sẽ tăng khoảng 134 triệu tấn. Các địa phương: Đồng Nai tăng lên 24 triệu tấn, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 41 triệu tấn, còn TP.HCM chỉ tăng 35 triệu tấn.

Hương Trà