Các khu công nghiệp tỉnh Nam Định: Tìm cơ hội trong thách thức

09:25:06 | 28/5/2010

Những năm qua, Nam Định có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nhưng kết quả còn hạn chế so với tiềm năng sẵn có, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và người dân địa phương.

Để tìm hiểu thêm những vấn đề này, Vietnam Business Forum có buổi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tuyển - Trưởng ban Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định.

Xin ông cho biết một số nét về sự phát triển khu công nghiệp tại Nam Định ?

Thúc đẩy công nghiệp phát triển là khát vọng lớn của một tỉnh vốn được coi là “chiêm trũng, thuần nông” như Nam Định. Trong suy nghĩ của lãnh đạo địa phương, có rất nhiều văn bản do tỉnh Nam Định ban hành từ những năm cuối thập niên 1990 đã thể hiện quyết tâm đó. Cuối năm 2001, khu công nghiệp đầu tiên: Khu công nghiệp Hòa Xá đi vào hoạt động, được xem như tín hiệu vui cho Nam Định. Liền sau đó, nhiều dự án đã xuất hiện tại: Năm 2004, Nam Định có 61 dự án với số vốn đăng ký gần 1.800 tỷ đồng và 54 triệu USD. Sẵn đà thắng lợi, Nam Định đã đề nghị và được Trung ương chấp thuận quy hoạch xây dựng 11 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 2.000ha (7 khu công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng). Tiếp theo Hòa Xá là Mỹ Trung, Vụ Bản, Ý Yên, Thịnh Long,… được quy hoạch và triển khai.

Tình thu hút các dự án công nghiệp ra sao?

Mấy năm gần đây, việc thu hút các dự án gặp nhiều khó khăn tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Song với sự chủ động, tích cực, Nam Định vẫn gặt hái được một số kết quả nhất định: Năm 2009, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án đầu tư vào (01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với số vốn đăng ký 792,4 tỷ đồng và 460 ngàn USD. Như vậy, tính đến hết năm 2009, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các khu công nghiệp cho 113 doanh nghiệp với 138 dự án có số vốn đăng ký là 11.127 tỷ đồng và 142,9 triệu USD. Trong đó, đáng kể nhất là Khu công nghiệp Hoà Xá có 120 dự án với số vốn đăng ký 4.260,7 tỷ đồng và 131,6 triệu USD. Khu công nghiệp Mỹ Trung hiện có 9 dự án với vốn đăng ký 1.328,9 tỷ đồng và 11,3 triệu USD; diện tích đất cho thuê đạt 30%,...

Là đầu mối giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương, những năm qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định đã có những hoạt động cụ thể như thế nào?

Ngay từ khi thành lập, Ban quản lý các KCN Nam Định đã tích cực đề xuất tham mưu trình UBND tỉnh lập đề án quy hoạch, phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 trình và được Chính phủ chấp thuận 11 KCN. Bên cạnh đó, nhiệm vụ xúc tiến và thu hút đầu tư cũng được thực hiện thường xuyên. Cụ thể trong năm 2009, Ban đã làm việc với trên 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời cùng với các ngành tham mưu để Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai tỉnh Nam Định - Thái Bình” với sự tham dự của hơn 400 doanh nghiệp, tập đoàn. Ngoài ra, Ban cũng đã chủ động cử cán bộ và chuyên viên tham gia các Hội nghị hợp tác, xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tổ chức tại Việt Nam, như tổ chức. Ghi nhận sự nỗ lực đó, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Nam Định… đã nhiều lần khen thưởng cho tập thể và các cá nhân. Đặc biệt năm 2008, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định được vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Ba.

Theo ông, để cải thiện môi trường đầu tư tại tỉnh, Nam Định cần tập trung giải quyết những vấn đề nào?

Theo tôi, việc giải phóng mặt bằng tại Nam Định đang là vấn đề vướng nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức một bộ phận người dân trong các dự án chưa cao. Điển hình, dự án Khu công nghiệp Bảo Minh, trong năm 2009, tỉnh đã tổ chức tới trên 50 cuộc họp, gặp mặt giữa các bên nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Trong khi nhà đầu tư đã thực hiện đền bù 100%, thậm chí đã đền bù thêm nhưng một số người dân còn chưa nhất trí.

Bên cạnh mặt bằng, một bộ phận không ít công chức các ngành còn chưa nhạy bén trong quản lý điều hành, ở đây chưa nói đến biểu hiện tiêu cực, đã gây cản trở, làm nản lòng nhà đầu tư.

Ngô Khuyến