Nhiều nét mới trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Bắc Giang 2014

13:39:03 | 25/9/2014

Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ VI 2014 sẽ diễn ra trong các ngày từ 03/10 đến 05/10/2014 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Đây là sự kiện văn hóa lớn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Phỏng vấn của phóng viên với ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức về những nét mới trong Ngày hội năm nay.  Giang Tú thực hiện.

Đây là lần thứ 6 Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) các dân tộc tỉnh Bắc Giang được tổ chức. Ngày hội năm nay có những điểm gì mới, thưa ông?

Ngày hội năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động VHTT&DL như: Liên hoan ca, múa, nhạc dân gian; trại văn hóa; thi và giới thiệu ẩm thực dân gian; thi người mặc trang phục dân tộc đẹp tỉnh Bắc Giang; hội thảo khoa học liên kết phát triển du lịch. Các hoạt động thể thao: thi vật dân tộc, giải đẩy gậy, bóng chuyền; tổ chức các trò chơi dân gian; trình diễn di sản văn hóa Quan họ và Ca trù; tổ chức triễn lãm, trưng bày sinh vật cảnh... Năm nay, Ngày hội không gắn với đón nhận các sự kiện văn hóa lớn như năm 2012 nhưng dự kiến huy động số lượng đơn vị tham gia nhiều hơn. Trong Ngày hội vẫn có liên hoan ca, múa, nhạc nhưng thêm phần biểu diễn Ca trù và Hát văn, đây là di sản văn hóa đặc sắc đang được Bắc Giang bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó có cuộc thi người mặc trang phục dân tộc đẹp hứa hẹn là nơi sắc màu truyền thống khoe sắc. Năm nay, ngày hội cũng tổ chức thi trình diễn các món ăn, đồ uống đặc trưng của vùng, miền. Tổ chức hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh”. BTC còn mời một số tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương mình.


Nét văn hóa truyền thống của Bắc Giang sẽ được thể hiện như thế nào tại ngày hội, thưa ông?

Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, vận động viên, quần chúng ở cơ sở gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tiếp thu những giá trị văn hoá giàu bản sắc. Vì thế nội dung nào cũng mang đậm bản sắc văn hóa, tính nghệ thuật độc đáo, tính sáng tạo của nhân dân và tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Các đơn vị tham gia Ngày hội chọn lọc, giới thiệu những nét đặc trư­ng văn hóa của địa phương mình, chuẩn bị công phu trong tập luyện, hết mình trong các nội dung thi văn hóa, nghệ thuật và thể thao để đạt thành tích tốt.

Ở liên hoan văn nghệ có sự lựa chọn, tập luyện công phu. Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi chương trình văn nghệ phải có ít nhất một tiết mục Hát văn, một tiết mục Ca trù. Mỗi đơn vị lựa chọn 02 thí sinh tham gia giới thiệu và trình diễn trang phục dân tộc. Các tiết mục có sự lựa chọn, bố cục chặt chẽ, kết hợp khéo léo giữa ca, múa, nhạc với trình diễn, giới thiệu trang phục dân tộc.

Trại văn hoá được đầu tư công phu, chuẩn bị kỹ từ khâu tìm ý tưởng đến dựng trại phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc. Giới thiệu được những nét văn hoá trong giao tiếp, phong tục, tập quán, văn hoá ẩm thực, ứng xử của từng dân tộc, làm cho trại văn hoá thu hút được nhiều đối tượng, góp cho Ngày hội vui tươi, giàu bản sắc. Mô hình Đình làng Việt là nơi trình diễn di sản văn hóa Quan họ và Ca trù, giới thiệu văn hóa ẩm thực Bắc Giang.

Bên cạnh đó, Hội thảo liên kết phát triển du lịch là bước đi quan trọng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển ngành "công nghiệp không khói" hiệu quả và bền vững.

Các hoạt động thể thao thu hút các vận động viên ưu tú toàn tỉnh tranh tài ở các nội dung bóng chuyền, đẩy gậy, vật dân tộc. Ngoài các môn thi đấu, Ngày hội còn có nhiều trò chơi dân gian hứa hẹn thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ngày hội năm nay được đúc kết kinh nghiệm gì để thành công tốt đẹp, thưa ông?

Kế hoạch tổ chức Ngày hội năm nay được rút kinh nghiệm triển khai sớm. Nội dung đa dạng, phong phú sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành, đơn vị tham gia. Thành viên BTC, các tiểu ban giúp việc BTC xác định rõ trách nhiệm, có sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Điều đặc biệt là nội dung của các hoạt động VHTT&DL trong Ngày hội luôn đổi mới, có điểm nhấn để tạo sự phong phú, hấp dẫn.

Công tác xã hội hóa trong tổ chức Ngày hội cũng cần được phát huy có hiệu quả, nhất là huy động các nguồn tài trợ cùng chung sức. Ví như năm 2012, kinh phí tổ chức cuộc thi Người đẹp tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất được xã hội hóa hoàn toàn. Đây cũng là kinh nghiệm cho việc tổ chức Ngày hội tiếp theo.

Công tác chuẩn bị đến thời điểm này ra sao, thưa ông?

Sở VHTT&DL đã chủ động và tích cực tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 13-8-2014 về việc tổ chức Ngày hội VHTT&DL các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ VI - năm 2014. Cùng đó tham mưu địa điểm tổ chức Ngày hội tại Quảng trường 3-2, Hội trường Nhà khách tỉnh, Nhà thi đấu; thành lập BTC, các Tiểu ban giúp việc BTC. Các công văn gửi UBND các huyện, TP, các trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, Hội Sinh vật cảnh tỉnh, đơn vị thuộc Sở, Phòng VHTT, Trung tâm VHTT các huyện, TP về việc triển khai, thực hiện các nội dung của Ngày hội. Sở VHTT&DL cũng cũng chủ động tổ chức, phối hợp tuyên truyền trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân hướng về Ngày hội, tích cực tham gia các hoạt động tại Ngày hội. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện để Ngày hội diễn ra tốt đẹp.