14:32:48 | 27/10/2014
Theo sử sách ghi lại thì hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Trên chặng đường dài đó, loại hình nghệ thuật này đã được nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội, nhiều văn nhân thi sĩ nâng đỡ, tạo điều kiện cho phát triển.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.
Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).
Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.
Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau như: mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá... Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Trong những năm gần đây, Phú Thọ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại là Hát Xoan.
Tỉnh tập trung truyền dạy và thực hành Hát Xoan thông qua việc tổ chức đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, đặc biệt là nghệ nhân trẻ, truyền dạy cho lớp trẻ trong cộng đồng các phường Xoan gốc và cán bộ văn hóa xã, phường, hạt nhân văn nghệ các câu lạc bộ dân ca trên địa bàn tỉnh.
Đây là nội dung quan trọng, quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của di sản Hát Xoan; đồng thời phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi đào tạo các nghệ nhân trẻ, để đến năm 2015 có thể trở thành lớp nghệ nhân kế cận các lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay làm nhiệm vụ truyền dạy cho các thế hệ sau này.
Đối với việc nghiên cứu, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020,” ngành văn hóa thể thao và du lịch tỉnh sẽ điều tra hiện trạng tại các phường Xoan gốc và các địa phương có hát Xoan lan tỏa; thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan; tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin, số liệu thu thập từ công tác điều tra, kiểm kê.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai thực hiện đề án theo các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được xác định theo Công ước UNESCO và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh.
Phú Thọ triển khai nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn “Tổng tập Hát Xoan Phú Thọ,” đây sẽ là công trình khoa học đầy đủ nhất về Hát Xoan Phú Thọ, góp phần là cơ sở khoa học trong việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa “Hát Xoan Phú Thọ” vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.
Bên cạnh đó, tỉnh lập các dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích liên quan đến Hát Xoan; sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản, kiểm kê, tư liệu hóa và số hóa các tư liệu về Hát Xoan; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo khoa học; nghiên cứu phục hồi các lễ hội, diễn xướng, tục lệ Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các phường Xoan gốc.
Phú Thọ cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt tuyên truyền, giới thiệu, cập nhật thường xuyên các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan trên Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Theo kế hoạch đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015, tỉnh Phú Thọ yêu cầu các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết để tổ chức thực hiện các nội dung, đáp ứng yêu cầu của kế hoạch này./.
Trần Trang