11:44:35 | 9/3/2015
Nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) và TT, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng đầu tư cho lĩnh vực này và bước đầu đã phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng; hạ tầng, ứng dụng CNTT ngày càng phát triển mạnh. Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các doanh nghiệp và trong nhân dân.
Ông Lê Hữu Thịnh, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua việc đưa CNTT ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành đã từng bước được triển khai thực hiện tại các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh và huyện. Đến nay 100% Sở, ban, ngành có mạng nội bộ (LAN), có kết nối internet băng thông rộng; 70% các phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện, 30% xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ, có kết nối internet băng thông rộng…
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã được xây dựng từ năm 2008 đến nay đã hoạt động ổn định và hiệu quả. Gần 10.000 tài khoản đã được cấp cho các cán bộ công chức, viên chức các cấp tạo ra môi trường làm việc điện tử hiện đại, nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu giấy tờ và tiết kiệm về chi phí trong công tác hành chính. Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện đã được triển khai, lắp đặt phục vụ cho các cuộc họp, giao ban từ Văn phòng UBND tỉnh kết nối 14 điểm họp tại các huyện, thị xã. Ngoài ra, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại một số đơn vị hoat động hiệu quả.
Các dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được quan tâm đầu tư. Cổng thông tin điện tử của tỉnh hiện đã hoàn thành, hoạt động ổn định cung cấp những thông tin KT-XH của tỉnh, chính sách đầu tư, văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp 100% thủ tục hành chính ở cấp độ 2 phục vụ người dân và doanh nghiệp; cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội… đến với người dân và doanh nghiệp thuận tiện, nhanh chóng, tạo sức lan tỏa thông tin tích cực cho người dân.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 3.800 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có khoảng hơn 120 doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực CNTT với hoạt động chủ yếu là phân phối, bán buôn và bán lẻ các trang thiết bị CNTT không có doanh nghiệp sản xuất hoặc gia công phần mềm. Hầu hết các doanh nghiệp đã ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông đã áp dụng, triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động của đơn vị mình rất hiệu quả. Với những kết quả đạt được, kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT của tỉnh Đắk Lắk năm 2013, 2014 đạt thứ hạng 24/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào quản lý và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn những khó khăn nhất định do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó Đắk Lắk là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, chính vì vậy nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp còn hạn chế về mặt trình độ…
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT và TT tỉnh Đắk Lắk đã có một số giải pháp, như: xây dựng hoàn thành kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 để đề nghị đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh kỳ họp vào cuối năm 2015. Đồng thời quán triệt nội dung Chương trình quốc gia về đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, đặc biệt là đối với lãnh đạo các cấp, các ngành. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân thuận lợi và hiệu quả.
Hoàng Ngọc