Thị trường bất động sản Châu Á tiếp tục nóng

15:15:31 | 16/11/2016

Thị trường bất động sản (BĐS) châu Á đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng đầu tư vào thị trường này không ngừng tăng trong những năm vừa qua. Theo thống kê của công ty TNHH CBRE Việt Nam,  nếu năm 2009, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường BĐS châu Á chỉ 1,4 tỷ USD thì đến năm 2015 con số này đã lên tới 9,6 tỷ USD. Và trong nửa đầu năm 2016 đã đạt 4,7 tỷ USD.

Theo thống kê, trong 18 tháng gần đây nhất, châu Á đã nhận được những khoản đầu tư khá lớn vào thị trường BĐS từ các tổ chức, tập đoàn lớn của khu vực Trung Đông và Bắc Mỹ. Các tổ chức quốc tế này đã chiếm tới 57% tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS thương mại nửa đầu năm 2016 (tăng 9% so với năm 2012).


Theo bà Ada Choi, giám đốc bộ phận nghiên cứu cao cấp của CBRE khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với lợi thế là một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, rất nhiều quốc gia mới nổi có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, châu Á tiếp tục là khu vực trọng điểm đối với các nhà đầu tư quốc tế. Hiện nay, nhiều tổ chức đầu tư ngoài khu vực vẫn chưa thực sự quan tâm đến thị trường châu Á, nhưng về lâu dài, điều này chính là động lực để thị trường hoàn thiện và phát triển mạnh hơn nữa nhằm đa dạng hóa về mặt địa lý các chi nhánh của công ty.

Bà Ada Choi cho biết thêm, xu hướng của các nhà đầu tư quốc tế khi tham gia vào thị trường BĐS châu Á là thành lập các quỹ BĐS. Nhiều nhà quản lý quốc tế đã thành công trong việc huy động nguồn vốn để tập trung cho thị trường châu Á. Trong vòng hơn 2 năm qua, các quỹ BĐS này đã huy động được nguồn vốn với tỷ trọng tên tới 22 tỷ USD, nguồn vốn khổng lồ này sẽ góp phần hình thành nhu cầu đầu tư bền vững trong khu vực.

Đối với nguồn vốn châu Á, nhu cầu đầu tư tại thị trường nước ngoài cũng bắt đầu tăng mạnh từ sau cuộc khủng  hoảng kinh tế toàn cầu. Theo số liệu công bố của CBRE, với 80% tổng nguồn vốn của các nhà đầu tư châu Á tập trung vào thị trường nội địa khi đang diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tỷ lệ này đã giảm mạnh trong những năm tiếp theo sau đó. Đến nửa đầu năm 2016 con số này chỉ còn 47%. Trong vòng 3 năm trở lại đây, nguồn vốn châu Á đầu tư vào lĩnh vực BĐS tăng mạnh là do chi tiêu tại thị trường nước ngoài, bao gồm cả các nước trong khu vực châu Á và ngoài khu vực. Trong đó, yếu tố chính góp phần tạo nên xu hướng này là do của cải tích lũy được từ các đơn vị tư nhân dẫn đến nhu cầu đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp, bên cạnh đó là việc bãi bỏ những quy định về đầu tư BĐS nước ngoài cho các công ty bảo hiểm châu Á.

Ông Marc Giufrida, Giám đốc điều hành Thị trường vốn đầu tư CBRE cho biết: “Các nhà đầu tư châu Á đã thu nhận được những lợi ích đến từ đầu tư toàn cầu đó là sự ổn định, sự phân chia cân đối giữa các tài sản và giúp đa dạng hóa về mặt địa lý các danh mục đầu tư. Bên cạnh các tổ chức hoạt động lâu năm và rất tích cực trên thị trường đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan thì các tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng bắt đầu xâm nhập thị trường mặc dù trước đây họ ít quan tâm, gần như không có sự mở rộng toàn cầu”.

Với sự đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua, các nhà đầu tư châu Á đã vượt các nhà đầu tư phương Tây để trở thành đầu tư xuyên quốc gia chính trong khu vực. Để cạnh tranh với các nhà đầu tư châu Á, các nhà đầu tư phương Tây cần có những chiến lược sáng tạo hơn. Hiện nay, có những yếu tố mà các nhà đầu tư có thể xem xét như yêu cầu của khách thuê hay triển vọng để nâng cao giá trị tài sản. Theo các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực BĐS, sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế sẽ quyết định sự thành bại của họ khi cạnh tranh ở châu Á.

Hiện nay, các khối tài sản thương mại chủ chốt như các tòa nhà văn phòng hạng sang có vị trí đắc địa, vẫn là ưu tiên hàng đầu cho các nhà đầu tư châu Á và quốc tế, bởi tiềm năng trong phân khúc này vẫn còn rất lớn. “Xây dựng giá trị cốt lõi” là chiến lược quan trọng cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và có định hướng lâu dài tại châu Á.

Ông Tom Moffat, Giám đốc điều hành thị trường vốn tại châu Á của CBRE nhấn mạnh, các nhà đầu tư cần phải đánh giá thị trường một cách chính xác, đặc biệt là các điểm yếu tạm thời của thị trường như thị trường văn phòng Singapore và thị trường bán lẻ Hồng Kong để tìm kiếm những có hội lội ngược dòng khi thị trường hồi phục trong tương lai.

Tại thị trường Nhật Bản, các nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn đang tìm kiếm những cơ hội để đầu tư vào các thị trường tiềm năng như Osaka và Fokuoka, đây là hai thành phố có vị trí đắc địa và tốc độ phát triển khá cao chỉ đứng sau Tokyo. Việc thị trường văn phòng phát triển trên quy mô rộng, ở nhiều thành phố khác nhau sẽ tạo cơ hội để giảm giá thuê. Đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới ở những trung tâm lớn khu vực châu Á.

Sĩ Sơn