Thông tin thị trường bất động sản: Bao giờ mới minh bạch?
Trong khi Bộ Xây dựng chưa thể công bố các chỉ số liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) thì người mua nhà vẫn đang bị phụ thuộc và “bao vây” bởi các thông tin đến từ các đơn vị tư vấn, các sàn giao dịch BĐS. Điều này có thể khiến khách hàng cảm thấy mất phương hướng dẫn tới những quyết định không sáng suốt trong việc mua nhà.
Đợi đến khi nào?
Thực tế, vào năm 2014, Bộ Xây dựng có quyết định thành lập phòng Thông tin Thống kê do Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS quản lý nhằm chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Nghị định 117 (12/11/2015) liên quan đến vấn đề xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016). Phòng này sẽ có trách nhiệm thống kê, tổng hợp các thông tin liên quan đến nhà ở và thị trường BĐS trong cả nước. Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn có Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS cũng thường xuyên có những thu thập, thống kê các dữ liệu liên quan.
Bộ Xây dựng cũng có riêng một Viện Kinh tế Xây dựng (là đơn vị soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 117). Bản dự thảo thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Trong đó, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS sẽ có trách nhiệm trong việc kiểm tra thực hiện các quy định về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS ở các địa phương; cấp quyền truy cập, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trung tâm thông tin thì có trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp với Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Viện Kinh tế xây dựng xây dựng một cơ chế thốn nhất cùng khai thác, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Trong khi đó, Viện Kinh tế xây dựng có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, cập nhật quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu; tính toán, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê, các thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường BĐS nhằm phục vụ cho các công bố của Bộ Xây dựng.
Mặc dù các quy định, cũng như yêu cầu, trách nhiệm của các phòng ban đã rõ ràng nhưng đến nay, việc công bố các thông tin về thị trường BĐS một cách chính thống từ phía Bộ Xây dựng vẫn chưa áp dụng được. Ông Lê Mạnh Linh, phụ trách phòng Thông tin Thống kê (Cục quản lý Nhà ở và Thị trường BĐS) cho biết, Phòng Thông tin Thống kê có trách nhiệm làm các báo cáo thông kê phục vụ cho nội bộ cơ quan, còn việc công bố thông tin vẫn phải chờ hướng dẫn.
Trong khi đó, ông Trần Hồng Mai, Viện trưởng Viện kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thì cho biết, các quy định liên quan đến công bố thông tin đã được trình lên Bộ Xây dựng, chỉ chờ để ban hành.
Những báo cáo không được kiểm chứng
Công ty BĐS CBRE Việt Nam là một trong những đại lý lớn nhất Việt Nam chuyên phân phối độc quyền các dự án hạng sang tại Hà Nội và TP HCM. Hàng quý, công ty này luôn có tổ chức họp báo để cung cấp những thông tin liên quan đến thị trường BĐS. Trong báo cáo của công ty BĐS CBRE Việt Nam luôn có ghi chú, các báo cáo, thống kê của họ được thu thập từ những thông tin mà họ cho là đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc kiểm chứng tính chính xác của các thông tin trên thì họ không đảm bảo, không chắc chắn hay đại diện cho các thông tin này. Các thông tin này được đưa ra với giả thuyết là có khả năng có sai sót, thiếu, thay đổi giá bán, giá thuê và các điều kiện khách trước khi được bán, cho thuê hay tài trợ vốn, hoặc bị thu hồi mà không có thông báo.
Tương tự như vậy, trong báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam về thị trường BĐS mà hiệp hội này phát hành cũng có ghi chú: “Văn phòng Hiệp hội BĐS Việt Nam không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với tính chính xác của những thông tin được đề cập trong báo cáo. Các thông tin trong báo cáo hoàn toàn có thể thay đổi theo diễn biến của thị trường và chúng tôi không có trách nhiệm phải thông báo về những sự thay đổi này”.
Theo ông Phạm Thành Hưng, Phó tổng giám đốc CEN Group, mặc dù thị trường BĐS Việt Nam có một vai trò quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sự ổn định của nền kinh tế nhưng luôn ở trong tình trạng thiếu thông tin, đa số người mua nhà vẫn luôn bị bủa vây bởi những thông tin không chính thức. Điều này khiến cho tình trạng đầu tư theo kiểu “bầy đàn”, theo tin đồn diễn ra khá phổ biến, gây nên những cơn sốt bất thường.
Theo chia sẻ của một nhà đầu tư thứ cấp. Việc người mua nhà thiếu các thông tin mà tính chính thống về thị trường BĐS nói chung hay một dự án nào đó mà họ đang quan tâm nói riêng khiến cho người mua nhà luôn bị động trong việc đưa ra quyết định mua nhà. Những thông tin liên quan đến số lượng căn hộ đã bán ở một dự án bất kỳ thường là không chính xác. Ngay cả ở những công ty tư vấn BĐS cũng chưa tìm ra một phương pháp nào hiệu quả để thống kê được số hợp đồng giao dịch thực đã thực hiện. Trong khi đó, với các chủ đầu tư hay nhà đầu tư thứ cấp thì những báo cáo thống kê này có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh của họ. “Nhiều doanh nghiệp để nâng cao tính thanh khoản của dự án đã điều chỉnh các báo cáo thống kê với mục đích tạo những cơn sốt ảo, khuếch trương dự án”, nhà đầu tư này khẳng định.
Lương Tuấn