Lợi thế để Việt Nam hút FDI giai đoạn tới?

10:53:34 | 1/3/2019


Đâu sẽ là lợi thế để Việt Nam thu hút FDI khi những ưu đãi truyền thống như ưu đãi thuế không còn là lợi thế?



Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và Uỷ ban kinh tế của Quốc hội vừa có buổi làm việc tại Bộ Tài chính về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), chính sách ưu đãi thuế, tài chính với khối doanh nghiệp này. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định rằng, ưu đãi thuế không còn là lợi thế trong hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, vậy đâu sẽ là lợi thế để Việt Nam thu hút FDI trong giai đoạn tới?

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, hiện nay, tiêu chuẩn thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn thấp, vì vậy, nếu không nâng tiêu chuẩn thu hút FDI thì làm sao có thể thu hút được công nghệ tốt và thực hiện chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, việc nâng cao tiêu chuẩn thu hút FDI cũng chính là tạo áp lực để doanh nghiệp trong nước tự nâng mình lên.



Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, hiện nay, tiêu chuẩn thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn thấp, vì vậy, nếu không nâng tiêu chuẩn thu hút FDI thì làm sao có thể thu hút được công nghệ tốt và thực hiện chuyển giao công nghệ.

Cũng liên quan đến chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhận định: “Hiện nay, các chính sách liên quan đến ưu đãi về đất đai trong hoạt động thu hút FDI của Việt Nam còn quá dài, quá lâu, vì vậy cần phải rà soát lại những chính sách này. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành nghiên cứu toàn diện để sửa đổi các chính sách liên quan đến đất đai”.

Chia sẻ một ví dụ mang tính “răn đe”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, quy định, tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%.


Điều 12, khoản 2, mục b Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tối thiểu 60%.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, quy định này có tác dụng thúc đẩy các địa phương phải tạo điều kiện và hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Trong trường hợp, các khu công nghiệp, khu kinh nào không đạt tỷ lệ lấp đầy 60% thì cho chuyển mục đích hoạt động.

Quay trở lại câu chuyện, khi ưu đãi thuế không còn là lợi thế như nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Lê Xuân Nghĩa- Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Tài chính Quốc gia cũng đồng tình với quan điểm này.



TS Lê Xuân Nghĩa -  Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Tài chính Quốc gia

Cụ thể, bởi hiện nay, ưu đãi thuế hiện nay của Việt Nam trong thời hạn 5 năm, chưa kể đến hệ thống giám sát chuyển giá, hạch toán chi phí tài chính chưa chặt chẽ và nhà đầu tư cũng không có nghĩa vụ chuyển giao công nghệ.

Điều này đã tạo “kẽ hở” để những doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng chuyển giá, hoặc chuyển giá một cách công khai và phổ biến.

Minh chứng là có những doanh nghiệp đã vào Việt Nam cách đây 20 năm, tuy nhiên vẫn chưa chuyển giao công nghệ mặc dù có cam kết.

Hay như, sau khi liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp đã tăng vốn để trở thành doanh nghiệp 100% nước ngoài đồng thời thành lập các công ty con làm công nghiệp phụ trợ, sau đó chia lợi nhuận cho các công ty này... như vậy lợi nhuận vẫn quay về họ hoàn toàn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, ưu thế mới để thu hút các dòng vốn FDI chất lượng đó chính là gần thị trường tiêu thụ.

Theo đó, để thu hút được nguồn vốn có chất lượng, có 2 yếu tố Việt Nam cần khắc phục, mặc dù điều này không thể hoàn thành “một sớm một chiều”.

Một là, trình độ của lực lượng lao động phải được nâng cấp nhanh chóng, nhất là trình độ của công nhân lành nghề, đại học trở lên, công nghệ thông tin, công nghệ mới...

Hiện nay, nhìn vào hệ thống các trường đại học Việt Nam đang thấy rất yếu, mặc dù giáo dục phổ thông và đại học rất tốt. Vì vậy, nếu không sớm khắc phục, thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Bởi, khi đặt nhà máy, hay triển khai hoạt động đầu tư, nhà đầu tư sẽ chú trọng đến các khu vực tập trung lao động lành nghề, các nhà quản lý thương mại quốc tế, đặc biệt là hạ tầng hoặc logistics có số hoá. Bởi bản thân nhà đầu tư họ là những tập đoàn lớn, chất lượng, có công nghệ hiện đại, số hoá. Vì vậy, họ lựa chọn nơi nào có sự tập trung nguồn lực đáp ứng được những yêu cầu đó, thay vì chi phí lao động giá rẻ.

Hai là, họ phải đặt nhà máy ở địa điểm nào có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, đủ khả năng tiêu thụ những sản phẩm có hàm lượng công nghệ. Đây chính là là những đòi hỏi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngọc Hà (DDDN)