Góc nhìn tăng trưởng kinh tế từ xuất nhập khẩu

09:56:36 | 8/4/2019


Một trong những thách thức lớn của nền kinh tế trong năm 2019 là xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm lại. Quý I/2019, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 4,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 22% của cùng kỳ 2018.



Xuất khẩu, nhập khẩu cùng giảm tốc


Không quá khó để nhận ra, một trong những điểm đáng chú ý của nền kinh tế trong quý I/2019 là sự giảm tốc của kim ngạch xuất nhập khẩu. Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lên Chính phủ, quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu ước đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với quý I/2017.

Vẫn tăng, nhưng tốc độ đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2018, tăng trưởng xuất khẩu lên tới 24,8%, còn tăng trưởng nhập khẩu tăng 13,3%.

Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khi bình luận về những điểm đáng lưu ý của kinh tế quý I/2019 cũng đã nhấn mạnh điều này. Theo ông Ngân, xuất nhập khẩu của quý I năm nay tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ nhiều năm trước.

Không quá khó để nhận diện nguyên nhân khiến xuất nhập khẩu giảm tốc trong quý I năm nay.

Trước hết, xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện - vốn chiếm tới trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước - đã giảm tới 4,3% so với quý I năm ngoái, chỉ đạt 12,1 tỷ USD. Lý giải điều này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Samsung đang trong chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên cả sản lượng và xuất khẩu đều tăng trưởng chậm lại.

Không chỉ nhóm hàng điện thoại và linh kiện giảm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản cũng giảm, như rau quả giảm 8,7%, cà phê giảm 15,3%, gạo giảm 11,5%, sắn các loại giảm 22,8%... Tuy vậy, nhóm hàng này chỉ chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nên tác động không quá lớn.

Nguyên nhân lớn nhất có lẽ vẫn nằm ở sự sụt giảm xuất khẩu của mặt hàng điện thoại và linh kiện. Đó cũng là lý do khiến quý đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, không kể dầu thô, đạt thấp so với các năm trước đây và tỷ trọng cũng giảm trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) thấp hơn so với tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước là xu hướng trái ngược so với các năm trước đây, khi tỷ trọng của khu vực này tăng dần qua các năm và luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung.

Cụ thể, quý I/2019, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước tăng 9,7%, đạt 17,05 tỷ USD, thì khu vực FDI chỉ tăng 2,7%, đạt 41,46 tỷ USD (kể cả dầu thô). Động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn nằm ở khu vực FDI, nên khi khu vực này giảm tốc, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn nền kinh tế cũng chậm lại là đương nhiên.

Lo ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế


Khi xuất nhập khẩu quý I/2019 giảm tốc, câu hỏi đặt ra là diễn biến tới đây sẽ thế nào?

Khá lạc quan, ông Đỗ Thắng Hải đã nhắc tới Samsung, Formosa, Lọc hóa dầu Nghi Sơn như là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong thời gian tới. Ông Hải thậm chí còn kỳ vọng, với việc vừa ra mắt dòng điện thoại Galaxy S10, thì cả sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong các tháng tới. Đây là điều cũng đã xảy ra trong nhiều năm qua, khi Samsung tung ra các dòng sản phẩm chiến lược.

Tuy vậy, năm nay, tình hình có thể khó khăn hơn nhiều, nếu nhìn vào cạnh tranh gay gắt trên thị trường thiết bị di động toàn cầu hiện nay, cũng như nhìn vào kết quả kinh doanh không được khả quan của Samsung toàn cầu.

Theo phỏng đoán của phóng viên Báo Đầu tư, chuyện giảm xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện của Samsung Việt Nam không liên quan nhiều tới điện thoại, mà khả năng là linh kiện, bởi Galaxy S10 hiện vẫn sản xuất và kinh doanh tốt. Quý I các năm trước đây, dù cũng ở giai đoạn chuyển đổi sản phẩm, nhưng xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện vẫn tăng trưởng tốt.

Thông tin cho biết, nhà máy Samsung Display ở Bắc Ninh chuyên sản xuất các loại màn hình điện thoại. Một phần không nhỏ sản lượng của nhà máy này vốn được cung cấp cho Apple, nhưng gần đây, Apple gặp khó khăn, nên sẽ ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng linh kiện. Đây có thể là lý do khiến xuất khẩu của Samsung không như kỳ vọng.

Nếu phỏng đoán trên chính xác, thì khó có thể kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu của Samsung trong năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao. Nếu vậy, tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, theo ông Trần Hoàng Ngân, tình hình kinh tế thế giới được dự báo giảm tốc và điều này sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp những khó khăn nhất định.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh điều này, đồng thời nhắc đến những cơ hội do Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại, qua đó có thể mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, cũng như khả năng tham gia các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, những khó khăn trong thúc đẩy xuất khẩu là có thật. Quý I đầu năm nay, xuất siêu của cả nước cũng chỉ còn 536 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Ở một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, tăng trưởng dựa nhiều vào xuất nhập khẩu như Việt Nam, việc cả xuất nhập khẩu đều giảm tốc được cho là sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Do đó, đây là điều cần quan tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Nguồn: baodautu.vn