Khai thác sức mạnh truyền thông đa phương tiện

09:09:07 | 20/6/2019

Trong kỷ nguyên hướng đến CMCN 4.0 ngày càng có nhiều cơ quan báo chí lựa chọn xu hướng truyền thông đa phương tiện. Ở Việt Nam xu hướng này bắt đầu tương đối muộn nhưng ngày càng mạnh mẽ.

Khái niệm đa phương tiện đối với các cơ quan báo chí Việt Nam là truyền thông tin, làm báo bằng nhiều phương tiện, như viết, nghe, nhìn, truyền tin trực tuyến (real time) đem lại sự sống động cũng như thông tin trung thực nhất. Với báo chí đa phương tiện, việc truyền tải thông tin đến công chúng không chỉ qua con chữ, hay những tấm ảnh tĩnh đơn thuần mà còn là video, audio, hình ảnh động, đồ họa và các cách thức thể hiện mới mẻ, hiện đại từ ứng dụng kỹ thuật số.

Theo số liệu do ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương công bố tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổ chức tháng 12/2018: Việt Nam hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Đã có 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình; tại thời điểm hiện tại có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền...

Trong năm 2018, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 15.840 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các cơ quan báo in và báo điện tử ước tính đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; doanh thu của các đài phát thanh truyền hình đạt khoảng 10.940 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 9.631 tỷ đồng.

Những con số tổng quát đó cho thấy sự phát triển mạnh về số lượng và doanh thu của ngành báo chí Việt Nam. Đóng góp vào sự phát triển đó có một phần không nhỏ các sản phẩm truyền thông đa phương tiện,

Trực quan, tương tác cao với bạn đọc

Ngày nay ngoài cách trình bày cơ bản là bài viết, ảnh, báo chí còn nhiều cách thể hiện khác. Với báo viết là infographic; Báo hình, báo nói, báo điện tử cũng ngày càng sử dụng nhiều các kỹ thuật truyền thông đa phương tiện như infographic, slide ảnh.

Nếu trước đây, để được đọc báo, được nghe, xem một chương trình phát thanh truyền hình yêu thích, công chúng phải đợi đến ngày ra báo hoặc giờ nhà đài phát sóng thì ngày nay, họ có thể chủ động tiếp nhận các sản phẩm truyền thông một cách nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng nhờ có công nghệ (xem trên web, mạng xã hội....). Xuất hiện rất sớm và xây dựng được tên tuổi trong xu hướng đa phương tiện ở Việt Nam phải kể đến các báo điện tử như Vietnamnet (1998) Nhân Dân, Lao động điện tử (1999), hay thế hệ kế tiếp như VnExpress, Dân trí; Thời đại; Thời báo kinh tế Sài gòn online; Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ online …

Sự trực quan, tương tác cao của cơ quan báo chí với độc giả; ngắn gọn, súc tích mà bao quát được sự kiện cần phản ánh, phù hợp với tâm lý đọc là những ưu điểm vượt trội mà xu hướng đa phương tiện đem lại cho báo chí và cơ quan báo chí. Thể hiện bao quát bài viết, sự kiện bằng infographic là cách Báo điện tử VnExpress, Lao động hoặc một trang thông tin điện tử tổng hợp khá nổi tiếng là  Zing News lựa chọn. Hoặc Zing News có cách thể hiện hình ảnh ấn tượng với việc sáng tạo ra thanh kéo so sánh ảnh trên cùng một bài. Báo Thanh Niên với việc dùng smartphone ứng dụng quét mã trên báo giấy giúp người đọc truy cập ngay vào báo điện tử và xem thêm những phần thể hiện khác nhau như hình ảnh hay video clip, các tin bài liên quan trước đó về một vụ việc. Trang tin online của báo Tuổi Trẻ có phần chèn âm thanh vào bài. Báo Dân Trí mới đây nhất đã có thêm phiên bản Voice…

Hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện

Tạo nên hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện cũng là một đặc điểm ưu việt nổi bật mà các cơ quan báo chí đang triệt để khai thác. Các nền tảng mạng xã hội như Google, YouTube, Facebook, Istagram hoặc WhatsApp được đánh giá là rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng đối với một tòa soạn báo. Ngày nay một cơ quan báo chí bên cạnh sản phẩm truyền thống là báo, tạp chí in còn có trang mạng xã hội được “chăm sóc” kỹ càng, trực tuyến, tương tác với bạn đọc không giới hạn thời gian. Một số Tòa soạn báo còn hỗ trợ xây dựng các trang Facebook của các phóng viên trụ cột trở thành một cấu phần trong hệ sinh thái của mình.

Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Trong hệ sinh thái của báo chí đa phương tiện, mỗi tòa soạn báo không chỉ dừng lại ở một loại hình mà có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với nhau, mỗi nhà báo không còn chỉ hoạt động đơn lẻ ở một loại hình riêng biệt mà có thể cùng lúc tác nghiệp ở nhiều loại hình khác biệt.

Trong bản Báo cáo Dự báo xu hướng Nghề báo, Truyền thông và Công nghệ năm 2019 của Nic Newman, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, có khảo sát về sự kỳ vọng của các tòa soạn báo điện tử vào các nền tảng mạng xã hội. Khảo sát được thực hiện đối với lãnh đạo 200 tờ báo điện tử trên thế giới. Đối với câu hỏi "Ông nghĩ những nền tảng này quan trọng đối với tổ chức của mình như thế nào trong năm 2019", kết quả cho thấy: với lạ chọn “rất quan trọng” hoặc “quan trọng” đối với Google là 87%, Apple News là 43%, Facebook 43%, YouTube 42% còn với Istagram là 31%, Twitte 29%, WhatsApp 16%, Amazon 16%, Snapchat 8%.

Có thể nói, hội tụ truyền thông và đa phương tiện đã đặt ra một dấu mốc quan trọng trong sự vận động và phát triển của báo chí và truyền thông hiện đại nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nguyễn Thanh