Du lịch Nghệ An: Cần tháo gỡ nút thắt để phát triển

10:26:35 | 1/7/2019

Nghệ An có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, từ cảnh quan thiên nhiên cho đến văn hoá lịch sử. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa thực sự xứng với tiềm năng. Bởi vậy, để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của toàn tỉnh, ngành du lịch phải tích cực khắc phục hạn chế, tháo gỡ nút thắt để bứt phá thành công.

Nhiều lợi thế để phát triển du lịch

Theo thống kê, lượng du khách đến với tỉnh Nghệ An tập trung tại một số khu du lịch truyền thống như Khu di tích Kim Liên, thị xã Cửa Lò… Trong đó, chỉ tính riêng tại Khu di tích Kim Liên, trong năm 2018 đã đón và phục vụ trên 2 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt du khách quốc tế. Thị xã Cửa Lò đón gần 2,8 triệu lượt, đạt 103% kế hoạch năm, khách lưu trú đạt 1,56 triệu lượt. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch đạt 2.851 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm. Tại các điểm đến như Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lam, du lịch cộng đồng Con Cuông và Vườn quốc gia Pù Mát, đảo chè Thanh Chương… cũng thường xuyên thu hút đông đảo du khách thăm quan. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2018, Nghệ An đã đón và phục vụ trên 6 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt hơn 7,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thực sự tương xứng với những tiềm năng du lịch của Nghệ An. Với địa hình đa dạng, Nghệ An không chỉ có đồi núi, thác nước, vườn quốc gia mà còn sở hữu tài nguyên biển cả. Xứ Nghệ sở hữu 82km đường bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Lò, Diễn Thành, biển Quỳnh…, có khu Dự trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới hay Vườn quốc gia Pù Mát, nơi nuôi dưỡng nhiều loài động thực vật quý hiếm nhất cả nước.

Bên cạnh đó, Nghệ An có hơn 2.600 di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có 413 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Đặc biệt, có 3 di tích là Khu Di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn), Khu Lưu niệm Phan Bội Châu và Đình Hoành Sơn đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt.

Mặt khác, miền đất quê Bác còn là nơi sinh sống của 6 dân tộc bao gồm Kinh, Thái, Thổ, H’Mông, Khơ Mú, Ơ đu với nhiều nét văn hoá riêng, đến nay vẫn còn lưu giữ được các giá trị văn hoá truyền thống giàu bản sắc.

Với nhiều ưu thế về cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hoá lịch sử, Nghệ An có nhiều cơ hội để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu như khắc phục được những hạn chế còn tồn tại và xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn bài bản.

Tháo gỡ nút thắt để bứt phá thành công

Những hạn chế mà du lịch Nghệ An gặp phải chủ yếu là cơ sở hạ tầng chưa được đồng độ, sản phẩm du lịch, dịch vụ ít hấp dẫn, thiếu sáng tạo và công tác quảng bá, truyền thông du lịch chưa bài bản, chưa tạo được tiếng vang để thu hút du khách. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa thực sự hiệu quả, tình trạng rác thải bừa bãi vẫn diễn ra, gây mất thiện cảm trong lòng du khách.

Phát biểu tại tọa đàm “Kết nối du lịch Bắc Trung Bộ 2019” tổ chức tại Cửa Lò mới đây, ông Hồ Xuân Phúc, giám đốc Hanotours cho rằng, để phát triển du lịch Nghệ An, trước tiên tỉnh cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển các khu dịch vụ, du lịch phức hợp, các khu vui chơi, giải trí tổng hợp, khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, khách sạn cao cấp, trung tâm mua sắm…Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển du lịch, bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Song song với đó là xây dựng cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.

“Việc xây dựng các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, theo kịp xu hướng, đánh trúng tâm lý và thị hiếu của du khách cũng rất quan trọng. Để làm được điều đó, ngành du lịch Nghệ An cần nghiên cứu thị trường, xây dựng đa dạng các tuyến điểm và tích cực liên kết với các địa phương lân cận để hấp dẫn du khách”- Ông Phúc nhấn mạnh.

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tổ chức, nhân sự, ông Phùng Gia Tuấn, giám đốc America Discovery cho rằng cần phải thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng nhân sự phục vụ trong ngành du lịch nhằm đáp ứng với yêu cầu về chất lượng tour tuyến mới mong phát triển du lịch địa phương.

“Nhân sự phục vụ trong du lịch vẫn chưa có sự thay đổi nhiều so với 15 năm trước đây, những con người làm dịch vụ và phục vụ cần được thay đổi, trẻ hóa và chuyên môn hóa theo hướng dịch vụ thay vì tư duy đơn giản nó là một công việc mưu sinh”- Ông Tuấn tâm huyết.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Tài, giám đốc công ty Lữ hành Vietsense, tích cực truyền thông, quảng bá du lịch đến du khách trong nước và quốc tế cũng góp phần đem về một lượng khách khổng lồ. Với sự phát triển của công nghệ 4.0, sự phổ biến của các trang mạng xã hội là cơ hội để du lịch Nghệ An giới thiệu tới du khách vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá lịch sử và những con người thân thiện, hiếu khách. Tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế cũng quảng bá du lịch Nghệ An đến một bộ phận không nhỏ du khách, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Để góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch, ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Quản lý Lưu trú Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, cần phải đẩy mạnh kết nối liên vùng khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Nghệ An. Sở Du lịch Hà Nội luôn sẵn sàng hợp tác du lịch với các địa phương, trong đó có Nghệ An.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An nhất trí những quan điểm trên, ký kết hợp tác với Sở Du lịch Hà Nội và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh và tìm giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch cũng như tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển du lịch Nghệ An.

Giang Tú