Quảng Ninh: Vì sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp

10:59:25 | 7/10/2019

Tỉnh Quảng Ninh những năm qua ghi dấu ấn đậm nét về quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt hai năm liên tục Quảng Ninh giữ “ngôi vương” trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn hoạt động hiệu quả, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có sự vào cuộc hỗ trợ, đồng hành ra sao, thưa ông?

Những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 1.252 đơn vị thành lập mới (902 doanh nghiệp và 350 đơn vị phụ thuộc), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trong tỉnh đến hết tháng 7/2019 là 18.900 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 179.080 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn hoạt động hiệu quả, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh ngày càng đi vào thực chất gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ cấp tỉnh đến cấp sở, ban, ngành, địa phương đều chủ động, tích cực vào cuộc đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi gặp gỡ, làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp 6 tháng/lần với sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành tiếp tục phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh triển khai các phiên đối thoại doanh nghiệp mở (Cafe doanh nhân).

Ngày 8/3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 61/KH-UBND nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo liên kết ngành, cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được tích cực triển khai như: tổ chức các hội chợ kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp trong cung ứng, thu hút lao động bằng việc duy trì hoạt động kết nối dịch vụ việc làm miễn phí cho doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ kết nối cung - cầu công nghệ, hội chợ công nghệ và thiết bị... Ngày 07/12/2018, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 148/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: Đào tạo, vốn, thông tin thị trường, khoa học công nghệ, pháp lý...

Bên cạnh đó, đảm bảo thống nhất trong hoạt động thanh kiểm tra, hạn chế chồng chéo trong thanh kiểm tra doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc một năm chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch không quá một lần đối với doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.

Với những nỗ lực, quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Quảng Ninh đã lan tỏa "PCI" đến cộng đồng nhà đầu tư, nhất là tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Minh chứng rõ nét cho điều này là Quảng Ninh đã trở thành “mảnh đất vàng” hút những “ông lớn” đến đầu tư, như: Tập đoàn VinGroup, Sun Group, FLC, My Way, BimGroup, Him Lam, Thủy sản Việt - Úc, Thành Công, hay những nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ như: Tập đoàn Toray (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Trung Đông (UEA), Texhong (Hong Kong), Amata (Thái Lan)...

Hai năm liên tục, tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng PCI, vậy ông đánh giá thế nào về dư địa tăng trưởng PCI của tỉnh Quảng Ninh?

Như chúng ta đã biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là cuộc đua thường xuyên liên tục trước yêu cầu đổi mới không ngừng; không chỉ so với chính mình mà quan trọng là so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế lan tỏa sẽ tác động không nhỏ đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đặt ra yêu cầu, mong muốn cao hơn của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Năm thứ hai liên tiếp Quảng Ninh đạt được ngôi vị quán quân là nhờ nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh như việc thực hiện phương thức “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) khi giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện…

Năm 2019 và các năm tiếp theo, Quảng Ninh sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức và còn nhiều dư địa để cải cách. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của chính quyền tỉnh, sự vào cuộc đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương và của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, chung tay để chuyển hóa những thách thức khó khăn thành cơ hội phát triển bền vững, cải thiện hơn nữa điểm số và tiệm cận đến thang điểm tối ưu.

Ông có thể cho biết để giữ vững ngôi vương về PCI, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đang và sẽ thực hiện những giải pháp nào?

Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, thiết thực, hiệu quả đã đề ra cụ thể tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 8/3/2019, trong đó, tập trung vào một số định hướng chủ đạo, cụ thể:

Một là, tập trung bám sát các chỉ đạo điều hành của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND về triển khai các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gắn với chủ đề công tác năm 2019: “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ”.

Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh nhằm quyết liệt triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, Quảng Ninh là cái nôi cải cách của Việt Nam. Địa phương này đang vươn tới vị trí hàng đầu khu vực trong phát triển bền vững, đây là nơi đáng sống, đáng kinh doanh, nơi hạ cánh của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ba là, từng sở, ngành và địa phương cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để cải thiện chỉ số Tính minh bạch, Chi phí không chính thức gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Riêng đối với các sở, ngành có chỉ số giảm điểm và thứ hạng thấp cần có các giải pháp đột phá đạt mục tiêu theo yêu cầu của tỉnh; khẩn trương nghiên cứu, đổi mới cách làm, sáng kiến nhằm áp dụng hiệu quả với các chỉ số được giao chủ trì để triển khai hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bốn là, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Triển khai nhiều cách thức đánh giá chất lượng cán bộ công chức, nhất là tại các trung tâm hành chính công tỉnh và huyện thị nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán bộ tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp tại trung tâm hành chính công tỉnh và cấp huyện, cần nghiêm túc thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất.

Năm là, về công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp: tập trung triển khai hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ” với những giải pháp thiết thực; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản (có thời hạn cụ thể, không để tình trạng giải quyết kéo dài), công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình Café Doanh nhân….

Sáu là, tiếp tục triển khai Chỉ số DDCI 2019; triển khai và nâng cao hiệu quả trang fanpage DDCI 2019. Khuyến khích các sở, ngành và địa phương nghiên cứu, triển khai đánh giá độc lập chất lượng điều hành của từng cơ quan, phòng ban, đơn vị trực thuộc.

Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và Lễ trao Cúp Thánh Gióng năm 2019, ông có chia sẻ gì với đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng?

Trước tiên, tôi xin chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp được biểu dương Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và Lễ trao Cúp Thánh Gióng năm 2019.

Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận quan trọng của xã hội, là bộ phận chủ yếu tạo ra công ăn, việc làm; sản xuất ra của cải, vật chất; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước. Việc xây dựng đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Với sự lớn mạnh không ngừng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các chương trình gặp mặt thân mật với các doanh nghiệp, doanh nhân nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và giải đáp các thắc mắc theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động họp mặt, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình được tổ chức long trọng, chu đáo với quy mô tham dự của hàng trăm đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp và luôn có sự hiện diện cũng như quan tâm đặc biệt từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Tại các chương trình, UBND tỉnh đã trao tặng bằng khen cho các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Tại tỉnh Quảng Ninh, tôi từng nói: “Các doanh nhân, doanh nghiệp có khát vọng đầu tư ở Quảng Ninh đều được chào đón và tạo điều kiện phát triển”. Cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các doanh nghiệp là một trong những giải pháp chúng tôi hướng tới. Đồng thời, tỉnh kiên quyết phòng chống, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân khi thực thi nhiệm vụ.

Với phương châm “Doanh nghiệp, nhà đầu tư và Quảng Ninh cùng thắng”, Quảng Ninh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành nơi cần đến, nơi đáng sống.

Trân trọng cảm ơn ông!