Tạo đà đưa ngành "công nghiệp không khói" bứt phá

11:00:06 | 8/10/2019

Với vị trí đặc biệt, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Trà Vinh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái biển gắn với rừng ngập mặn, sông nước miệt vườn, tham quan nghỉ dưỡng… Lợi thế này kết hợp với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã góp phần đưa du lịch Trà Vinh phát triển lên những nấc thang cao hơn.

Trong thời gian qua, phát triển ngành "công nghiệp không khói" tại Trà Vinh đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng khách bình quân của du lịch Trà Vinh đạt bình quân 11%/năm thì sau khi cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2015, lượng khách du lịch đến Trà Vinh tăng bình quân khoảng 30%/năm. Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động du lịch của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan với tổng lượt khách ước đạt 765.400 lượt, tăng 34,99% so cùng kỳ năm 2018, đạt 75% kế hoạch năm; tổng thu du lịch đạt 279,8 tỷ đồng, tăng 62,15% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 107,240 tỷ đồng, đạt 79,16% kế hoạch năm. Bước đầu tỉnh đã thu hút có hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ du khách. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã kịp thời cung cấp các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp và khách du lịch, mang hình ảnh Trà Vinh đến với đông đảo bè bạn trong nước và quốc tế.

Thực hiện Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 12/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch để cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch trong giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phấn đấu đón hơn 2,5 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 85.000 lượt khách quốc tế); tổng thu từ các hoạt động liên quan đến du lịch đạt 1.600 tỷ đồng (giai đoạn 2020 - 2025 tăng trưởng bình quân 12%/năm). Để hoàn thành mục tiêu này, Trà Vinh tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái miệt vườn; trong đó xây dựng loại hình du lịch văn hóa dân tộc là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Trà Vinh, đóng góp tỷ trọng lớn vào cơ cấu GRDP của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngành du lịch có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất – hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có tính thương mại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030 du lịch Trà Vinh đón hơn 3,6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt khoảng 156.000 lượt), tổng thu từ các hoạt động liên quan đến du lịch đạt 3.600 tỷ đồng (giai đoạn 2025 - 2030 tăng trưởng ổn định, bình quân 8 - 10%/năm).

Xác định rõ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch là một trong những giải đột phá để đưa ngành "công nghiệp khói" Trà Vinh bứt phá đi lên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020.  Theo đó tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm; hỗ trợ mua sắm phương tiện thủy và phương tiện vận chuyển thô sơ đường bộ để vận chuyển khách du lịch; hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn nhằm huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực du lịch và phát triển mạnh du lịch cộng đồng.

Để tạo bước đột phá phát triển du lịch, trong những năm tới tỉnh Trà Vinh cũng hướng trọng tâm vào phát triển TP.Trà Vinh thành đô thị xanh, đô thị du lịch; phát triển thị xã Duyên Hải thành đô thị du lịch biển và huyện Cầu Kè thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với Lễ hội Vu Lan và du lịch cộng đồng. Để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án có quy mô, dịch vụ hiện đại tại Khu văn hóa - du lịch Ao Bà Om, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng thị xã Duyên Hải,… tỉnh sẽ tiến hành rà soát quỹ đất công, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; đồng thời tiếp tục phát huy liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các tỉnh phía Đông ĐBSCL tại các sự kiện du lịch trong nước cũng như quốc tế.

Duy Anh