Thúc sớm thương mại hóa mạng 5G

08:32:12 | 3/4/2020

“Phải thương mại hóa 5G từ tháng 6/2020”, đó là nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao các nhà mạng tại Việt Nam.

Đua nhau thương mại hóa mạng 5G

Mới đây nhất, Huawei và Deloitte xuất bản một báo cáo với tựa đề: “5G với cuộc chiến chống lại Covid-19: Cơ hội cải thiện hệ thống y tế công cộng”. Báo cáo đã phân tích các ví dụ về việc kiểm soát và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Trung Quốc. Theo đó, trong dịch Covid-19, 5G đã phát huy hỗ trợ chống dịch rất hiệu quả với các ứng dụng như: hình ảnh nhiệt dựa trên công nghệ 5G gửi ngay đến đơn vị giám sát và chia sẻ lên đám mây ngay tức thì; theo dõi và chẩn đoán từ xa; tư vấn từ xa qua mạng 5G; robot y tế 5G SMART giúp chăm sóc bệnh nhân cách ly…

Trong báo cáo mới nhất của GSMA Intelligence, các nhà mạng di động dự kiến sẽ đầu tư hơn 1.100  tỷ USD vào mạng của họ trong 5 năm tới và khoảng 80% trong đó đầu tư vào công nghệ mới 5G. Báo cáo ước tính rằng, năm 2025, một nửa số kết nối 5G sẽ ở các quốc gia phát triển của khu vực châu Á, tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ với 48% kết nối 5G.

“Mạng 5G có thể mang lại một bộ dịch vụ hoàn toàn mới cho doanh nghiệp mà 4G không thể cung cấp được. Nó sẽ tác động nhiều mặt đến cuộc sống của con người, thông qua việc được áp dụng trong các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe”, Giám đốc Bắc Mỹ của GSMA đánh giá.

Mạng 5G được dự kiến tạo ra 13.200 tỷ USD trong hoạt động bán hàng trên toàn cầu vào năm 2035. Trong đó, ngành sản xuất được dự kiến sẽ đạt doanh thu bán hàng khổng lồ, với 4.600 tỷ USD doanh thu có sự hỗ trợ của 5G.  Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ “thu về” gần 1.570 tỷ USD, bán lẻ gần 1.200 tỷ đồng…

Hiện 7 quốc gia lớn của thế giới đang “chạy đua” đầu tư vào 5G, chiếm khoảng 79% tổng số đầu tư liên quan tới 5G trên toàn thế giới. Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có thêm 11 triệu việc làm, doanh thu 1.130 tỷ USD từ 5G; Mỹ sẽ đạt doanh thu 786 tỷ USD và tạo ra hơn 2,8 triệu việc làm mới từ 5G; Nhật Bản cũng sẽ đạt 406 tỷ USD và tạo ra 2,3 triệu việc làm mới…

Hiện cuộc chạy đua thương mại hóa 5G đang diễn ra. Trong 6 tháng qua, đã có hơn 30 quốc gia công bố triển khai 5G, nhanh hơn công bố triển khai 4G. Những con số nêu trên và thực tiễn giá trị mang lại của 5G đã thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng thương mại hóa 5G, trở thành một trong những quốc gia thương mại hóa 5G sớm nhất trên thế giới.

“Phải thương mại hóa 5G từ tháng 6/2020”

Đó là nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao cho Viettel và các nhà mạng Việt Nam tại buổi lễ thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng NodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm.

Mới đây nhất, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi văn bản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến. Trong đó, Cục Viễn thông yêu cầu nhà mạng nghiên cứu, có phương án đẩy nhanh việc thương mại hóa 5G tạo điều kiện phát triển các ứng dụng y tế từ xa, đào tạo trực tuyến, sản xuất thông minh...

Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã hoàn thành việc thử nghiệm kết nối 5G. Viettel đặt mục tiêu đến tháng 6/2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6/2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Nhà mạng này sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên hệ sinh thái công nghệ 5G phát triển và sản xuất tại Việt Nam.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết: “5G sẽ quyết định sự thành công của xã hội số. Tất cả các quốc gia đều sẽ dùng 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của mình. Chính vì vậy, chúng tôi xác định, dự án 5G là dự án chiến lược nhất của Viettel”, ông Dũng cho biết.

Trong tháng 3/2020, MobiFone đã tuyên bố thử nghiệm thành công và sẵn sàng triển khai mạng 5G. Trên nền tảng 5G, những dịch vụ ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao như Hologram - thực hiện cuộc gọi 3D qua mạng 5G, các trò chơi trực tuyến sử dụng băng thông siêu tốc độ như Cloud Gaming, ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR, VR) giữa 2 người ở 2 vị trí khác nhau như thi đấu bóng bàn, bóng đá từ xa… đã được MobiFone thử nghiệm thành công.

Với độ trễ siêu thấp gần bằng 0, cho cảm nhận sinh động và trực tiếp như ngoài đời thực, những dịch vụ thử nghiệm này không chỉ hứa hẹn mang lại một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giải trí, sản xuất - kinh doanh, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục…, mà còn đặt ra những tiền đề quan trọng mang tính chất nền tảng để MobiFone phát triển những giải pháp mang tầm vĩ mô trong xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh.

“Thử nghiệm thành công mạng 5G là điều kiện sẵn sàng để MobiFone phấn đấu đưa 5G vào khai thác thương mại trong thời gian sớm nhất, qua đó giúp MobiFone chinh phục và làm chủ công nghệ hàng đầu hiện nay, bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 của thế giới”, đại diện MobiFone khẳng định.

Trong khi đó, VNPT đã hoàn thành việc thử nghiệm 5G tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác. Hiện tại, các thuê bao VinaPhone tại một số khu vực đã được trải nghiệm truy cập Internet tốc độ cao nhanh hơn gấp nhiều lần so với thế hệ 4G VinaPhone.

Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban Công nghệ (Tập đoàn VNPT) cho biết, VNPT định hướng cung cấp data (dữ liệu) 5G với tốc độ cao, cung cấp các gói dịch vụ truyền hình, video 4K/8K; vô tuyến cố định (FWA) cho doanh nghiệp, hộ gia đình tại những nơi không có cáp quang truy nhập. Đặc biệt, VNPT cung cấp các dịch vụ thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) - giúp ngồi ở chỗ khác vẫn xem được các sự kiện đang diễn ra như thật; cung cấp đường truyền 5G phục vụ truyền hình, phát sóng trực tiếp.

Nguồn: baodautu.vn