EABC: Hỗ trợ DN hoạt động và phát triển trong đại dịch Covid 19

14:36:16 | 6/11/2020

Ngày 6/11, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho 13 quốc gia Đông Á, bao gồm 10 nước ASEAN và 03 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đã tham dự Kỳ họp lần thứ 49 dưới hình thức trực tuyến của Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC). 

Chủ tịch VCCI, Chủ tịch EABC 2020, Ts. Vũ Tiến Lộc đã chủ trì hội nghị lần này và nhận định đại dịch Covid-19 vẫn đang rất nguy hiểm và tiếp tục gây trở ngại cho nền kinh tế thế giới lâu hơn dự kiến và đang gây làn sóng tiếp theo tại nhiều nước. Do vậy Kỳ họp Hội đồng đã không được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội như dự kiến. 

Chủ tịch EABC Vũ Tiến Lộc cho biết, tại các kỳ họp giữa EABC với các quan chức kinh tế cấp cao ASEAN + 3 ngày 26/7/2020, với Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 ngày 28/8/2020, các quan chức cấp cao và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 đã đánh giá cao những đóng góp của EABC và nhấn mạnh những khuyến nghị của Hội đồng để ứng phó với đại dịch Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và phát triển, góp phần vào thịnh vượng chung của khu vực. Sắp tới, EABC sẽ tiếp tục có phiên đối thoại với lãnh đạo ASEAN + 3 vào ngày 14/11/2020 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan từ 12 – 15/11/2020.

Trong Hội nghị đối thoại với lãnh đạo quan trọng này, để vượt qua những thách thức gây ra bởi đại dịch Covid-19, EABC sẽ trình lên Lãnh đạo ASEAN + 3 những khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực về một số vấn đề.

Đó là cộng đồng doanh nghiệp Đông Á ủng hộ và mong muốn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sớm được ký kết và phê chuẩn sớm để đảm bảo đưa ra một thỏa thuận chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong thời điểm cần thiết này.

Bên cạnh đó, cần đưa các mặt hàng nông sản khác vào danh mục dự trữ gạo khẩn cấp của ASEAN + 3 (APTERR).

EABC và JETRO đã thực hiện khảo sát – triển vọng kinh doanh và chiến lược số hóa hướng tới trạng thái bình thường mới. Khảo sát đưa ra khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hợp tác công - tư trong khu vực để triển khai các hoạt động hỗ trợ và khuyến khích MSME tham gia chuyển đổi số; và xây dựng các quy tắc của khu vực để thuận lợi hóa việc áp dụng các công nghệ số (ví dụ như lược đồ chữ ký điện tử, quy tắc kỹ thuật số được bảo mật và hài hòa trong khu vực RCEP).

EABC cũng đề nghị tích hợp cổng thông tin của doanh nghiệp Đông Á (EABEX) trên trang web của ASEAN + 3 để đẩy mạnh hợp tác công tư và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Ngoài ra, EABC đã ra mắt sách điện tử về Thực tiễn hải quan Đông Á vào tháng 12/2019 và dự kiến sẽ ra mắt bộ sách điện tử thứ 2 về Thực tiễn đầu tư Đông Á vào năm 2021 bao gồm các thông tin về pháp luật liên quan đến đầu tư trong khu vực như thủ tục, quy định thuế, cơ sở hạ tầng, ưu đãi và biện pháp quản lý rủi ro. 

Những nội dung trên sẽ được đưa vào báo cáo khuyến nghị của EABC trình lên Lãnh đạo Chính phủ ASEAN + 3 tại Hội nghị Đối thoại giữa EABC và Lãnh đạo ASEAN + 3.

Hội đồng Doanh nghiệp Đông Á (EABC) được thành lập vào năm 2004 bởi Chính phủ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN +3) để đại diện cho các quan điểm và phản hồi của khu vực tư nhân nhằm tăng cường hợp tác kinh doanh, đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực.

EABC có thành viên là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn từ các nước nói trên, mỗi nước có tối đa 03 đại diện được bổ nhiệm bởi Chính phủ. Chủ tịch EABC hiện nay là Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Kể từ  khi thành lập, hàng năm, EABC tổ chức nhiều cuộc họp nội bộ cũng như các Hội nghị tham vấn với các Quan chức kinh tế, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 để đưa ra các khuyến nghị về  thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư cũng như hội nhập trong khu vực lên lãnh đạo khu vực.

Kỳ họp Hội đồng doanh nghiệp Đông Á lần thứ 50 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1/2021.

Lan Anh (Vietnam Business Forum)