08:56:03 | 10/12/2020
Năm 2020 là kỷ niệm 10 năm thành lập và phát triển của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD). Nhân dịp này, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã chia sẻ câu chuyện đằng sau những nỗ lực góp phần lan toả mạnh mẽ các giá trị phát triển bền vững ra toàn xã hội của VBCSD-VCCI. Hương Ly thực hiện.
Có thể nói, VBCSD-VCCI luôn tiên phong trong việc “phổ cập” những giá trị to lớn của PTBV với doanh nghiệp và cộng đồng. Để nói về điều tâm đắc nhất trong chặng đường 10 năm qua, ông sẽ đề cập đến vấn đề gì?
Có thể nói hành trình 10 năm để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững là một hành trình không hề dài, bởi phía trước vẫn còn rất nhiều việc cần VBCSD-VCCI tiếp tục phấn đấu. Ngay từ những ngày đầu hoạt động và cho đến nay, chúng tôi luôn hướng đến các hoạt động cốt lõi: truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác trong các dự án theo định hướng phát triển bền vững. Quan trọng nhất, VBCSD-VCCI đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp một cách chặt chẽ và hiệu quả. Một mặt, VBCSD giúp đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến Chính phủ, kiến nghị nhiều chính sách phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặt khác, VBCSD giúp Chính phủ hiểu rõ hơn về hoạt động của doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (V-SDG) một cách hiệu quả hơn.
Cũng cần nói thêm rằng các hoạt động trọng tâm của VBCSD-VCCI luôn bám sát định hướng của Chính phủ được nêu ra trong Kế hoạch hành động Quốc gia. Trong đo có các Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chỉ thị và Nghị quyết về Phát triển bền vững, hay Quyết định 1362 về phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, v.v. Đây cũng là những chính sách quan trọng có sự đóng góp ý kiến từ phía VBCSD-VCCI lên Chính phủ.
Những nỗ lực liên tục, bền bỉ và sáng tạo của VBCSD đã tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, thưa ông?
Tác động đầu tiên cần kể đến chính là sự thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về phát triển bền vững. Ban đầu, rất ít doanh nghiệp hiểu và làm phát triển bền vững. Tuy nhiên, sau 10 năm, “làn sóng” phát triển bền vững đã lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, các hội viên VBCSD – hầu hết là những doanh nghiệp lớn, có khả năng “định hình cuộc chơi”, đã góp phần không nhỏ để nhân rộng làn sóng này đến chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị rộng lớn của mình, từ đó biến phát triển bền vững thành sân chơi chung cho cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nói đi đôi với làm, không chỉ tác động đến nhận thức, VBCSD-VCCI còn hướng cộng đồng doanh nghiệp bắt tay và hành động để phát triển bền vững toàn diện. Việc thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn chính là đòn bẩy, giúp tối ưu hóa những nỗ lực của VBCSD-VCCI.
VBCSD đã hiện thực hóa các định hướng này thông qua Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam từ năm 2016. Đặc biệt, Sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam được VBCSD-VCCI và các doanh nghiệp lớn triển khai từ năm 2018, đã nhanh chóng đưa kinh tế tuần hoàn, vốn là một khái niệm rất mới trên thế giới, đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Theo ông đâu là những rào cản cản trở các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững?
Phải nói rằng phát triển bền vững là hướng đi không hề dễ dàng, đòi hỏi sự bền bỉ và ý chí quyết tâm vô cùng lớn từ Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho đến từng thành viên. Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nơi hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì những thách thức nằm ở yếu tố: nguồn lực và hành lang pháp lý.
Từ phía nội bộ doanh nghiệp, thiếu nguồn vốn tài chính, thiếu nguồn lực nhân sự, khả năng bắt kịp và áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo còn rất yếu. Bên cạnh đó, môi trường chính sách của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi và triển khai những mô hình kinh doanh mới theo định hướng phát triển bền vững.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó giao cho VCCI triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xin ông cho biết chương trình hành động của VBCSD trong thời gian tới?
VBCSD-VCCI rất vui mừng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững, làm tiền đề vững chắc hơn cho những hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững trong thời gian tới của các Bộ, ngành và VCCI.
Về phía VBCSD, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các hội viên và đối tác triển khai mạnh mẽ các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo về phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc.
Các hoạt động đối thoại về phát triển bền vững như Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF)/ Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững, các dự án và sáng kiến thúc đẩy mô hình kinh doanh phát triển bền vững, đặc biệt là các sáng kiến trên phương thức hợp tác công-tư, cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện nay, chúng tôi cũng đang xây dựng Đề án Nhân rộng Bộ chỉ số CSI để trình lên Chính phủ phê duyệt. Chắc chắn sắp tới đây, CSI sẽ được hoàn thiện hơn nữa, với những phiên bản khác nhau phù hợp với các loại hình doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, siêu nhỏ , từ đó giúp doanh nghiệp Việt tiệm cận hơn với Bộ chỉ số và thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững hiệu quả hơn.
Năm 2020, trước thách thức của dịch bệnh Covid-19, VBCSD-VCCI có những hoạt động gì thúc đẩy cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp?
Để có thể tăng cường năng lực chống chọi, vượt qua những cú sốc như Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng triệt để các cơ hội kinh doanh từ các FTA mới, doanh nghiệp chỉ có một con đường duy nhất – đó là phát triển bền vững. Trước yêu cầu đó, VBCSD-VCCI thúc đẩy đối thoại thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF). VCSF 2020 tập trung thảo luận các nội dung trọng điểm về quản trị doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công-tư. Đây không chỉ là những bài học đúc rút từ đại dịch Covid-19 mà hơn hết chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030.
Cần nhấn mạnh rằng, Phiên toàn thể của VCSF với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội” vào ngày 10/12/2020 sẽ mang đến các cơ hội trao đổi các sáng kiến, thảo luận giải pháp và đưa ra các kiến nghị cho Chính phủ trong việc xây dựng thể chế, thông qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao khả năng chống chịu trong các trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh và thiên tai, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Montri Suwanposri - Tổng giám đốc C.P. Việt Nam Bộ chỉ số Bền vững doanh nghiệp (CSI) được xây dựng như là thước đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội. Tôi cho rằng các chỉ số phát triển bền vững khá chi tiết, đây không chỉ là một công cụ để ghi nhận các mục tiêu đo lường và quản lý của doanh nghiệp mà còn là một bảng soi chiếu để doanh nghiệp nhìn vào đó kinh doanh theo hướng tích cực hơn, bền vững hơn. Phát triển bền vững còn giúp kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, kinh doanh công bằng, ổn định và môi trường trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Đây chính là giá trị lâu dài, là động lực luôn thôi thúc C.P Việt Nam kinh doanh có trách nhiệm với xã hội trong suốt thời gian qua... Là doanh nghiệp FDI, hoạt động trên mô hình kinh doanh đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm tại nhiều quốc gia, C.P Việt Nam đã quan tâm thực hiện các chiến lược nhằm giúp giảm thiểu tối đa về rủi ro khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng cho công ty và đem lại lợi ích xã hội. Dựa trên chiến lược, hướng đến sự bền vững với 3 trụ cột chính là: “An ninh lương thực” (Food Security); “Xã hội tự túc” (Self Sufficient Society) và “ Cân bằng tự nhiên" (Balance of Nature) được C.P Việt Nam tiếp tục phát triển và đổi mới từng ngày. Ngoài ra, công ty còn chú trọng hơn tới các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Với những giá trị lâu dài và bền vững, chính là nền tảng cốt lõi giúp C.P Việt Nam bền bỉ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc trong 27 năm qua. Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bee Logistics Phát triển bền vững là yêu cầu và xu hướng toàn cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của các mục tiêu phát triển bền vững, Bee Logistics nhận thức rõ, để trở thành một doanh nghiệp toàn cầu, chúng tôi cũng không thể đi chệch khỏi xu hướng đó, để đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh doanh, phát triển toàn diện trong thời gian hiện tại và tiếp tục phát triển trong tương lai. Có ba động lực chính thúc đẩy Bee Logistics theo đuổi chiến lược phát triển kinh doanh đó là khía cạnh đạo đức, khía cạnh lợi ích cho xã hội và cho chính doanh nghiệp và thứ 3 là yêu cầu của thị trường. Để phát triển bền vững trong quá trình hoạt động, Bee Logistics luôn đảm bảo phúc lợi cho người lao động thông qua cơ chế lương thưởng ổn định, cạnh tranh hơn so với mặt bằng chung thị trường, các chế độ chăm sóc đa dạng sức khỏe thể chất và tinh thần cho người lao động. Thực hiện công tác lao động trên cơ sở đảm bảo công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và không phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, công ty hỗ trợ các hoạt động đào tạo cho người lao động để nâng cao cơ hội học tập, rèn luyện, phục vụ cho sự phát triển của người lao động trên nấc thang sự nghiệp. Đồng thời tài trợ cho các chương trình giáo dục, đào tạo (hỗ trợ các cơ sở đào tạo các cơ hội thực tập, huấn luyện, hỗ trợ tài chính cho các cuộc thi Tài năng trẻ Logistics thường niên…). Ngoài ra, Bee Logistics thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho con người, nâng cao năng suất lao động. Trong những năm gần đây, Bee Logistics liên tục thực hiện các chương trình từ thiện hỗ trợ miền Trung, hỗ trợ trong dịch bệnh Covid, các chương trình bảo trợ trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, hiến máu nhân đạo, áp dụng thực tiễn Green Logistics. Chúng tôi nghĩ rằng, Chính phủ nên có các cơ chế khuyến khích và động viên những doanh nghiệp làm tốt công tác phát triển bền vững, đồng thời có hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai thực hiện, cũng như đề ra các tiêu chí đánh giá và ghi nhận. Một khi được ghi nhận, đánh giá, các doanh nghiệp sẽ nhận thức tốt hơn vai trò và từ đó tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện. Ngoài ra, các nội dung trong Chương trình hành động quốc gia vì 17 mục tiêu phát triển theo chương trình Nghị sự tới năm 2030 của Liên hợp quốc cũng cần được truyền thông mạnh mẽ hơn tới người dân và doanh nghiệp. |
Nguồn: Vietnam Business Forum
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI