Phát huy giá trị Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen

11:41:10 | 26/4/2021

Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen (viết tắt là Ban) được thành lập theo Quyết định số 1351/QĐ-TTg ngày 11/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, được giao trực tiếp quản lý Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Bà Đen; phối hợp triển khai Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen. Thời gian qua, Ban đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác tham mưu, phát triển di tích, lịch sử, danh lam, thắng cảnh Núi Bà Đen.

 

Đảm bảo yêu cầu thực tiễn

Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Bà Đen được công nhận là khu di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21/01/1989 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và đã được khoanh vùng bảo vệ theo giá trị lịch sử, danh thắng; nằm trong  quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Ban đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan lập nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 25/01/2018. Đồng thời, tham gia phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan hoàn thiện Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1099/QĐ-TTg ngày 05/9/2018.

Năm 2020-2021, Khu du lịch Núi Bà Đen được nhà đầu tư đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống cáp treo theo tiêu chuẩn châu Âu (gồm tuyến cáp Vân Sơn đưa du khách từ chân núi lên đỉnh Bà Đen và tuyến cáp Chùa Hang đưa du khách đi từ chân núi lên chùa Bà Đen, Chùa Hang). Đặc biệt trên đỉnh Núi Bà Đen có Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á. Cùng với đó, khánh thành và đưa vào phục vụ công trình mở rộng mặt bằng Chùa Bà, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách tham quan.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban đã tập trung thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Cụ thể, có văn bản đến các đơn vị hoạt động du lịch thường xuyên tuyên truyền để du khách thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Yêu cầu 100% nhân viên, du khách phải đeo khẩu trang, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên bề mặt tiếp xúc; có phương án giãn mật độ du khách đảm bảo khoảng cách theo quy định. Mặt khác, sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện người có dấu hiệu nhiễm bệnh và cung cấp số liệu khách du lịch hằng ngày về Ban tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo theo quy định.

Đối với Chùa Núi Bà, Tịnh xá Ngọc Truyền, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của UBND tỉnh và khuyến cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ. Thông qua sinh hoạt tôn giáo trực tuyến, hướng dẫn, tuyên truyền tăng ni, phật tử tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ như: Đầu tư phát triển Khu du lịch núi Bà Đen theo quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận Khu du lịch Núi Bà Đen đạt danh hiệu Khu du lịch quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực Miền Đông Nam bộ và cả nước.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trên cơ sở triển khai Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Tập trung vào các nhiệm vụ: Bảo vệ, phát triển tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có; bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng dự án; phục hồi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, môi trường, cảnh quan...

Những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh thu hút, phát triển ngành dịch vụ du lịch. Với tiềm năng, thế mạnh của Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Bà Đen, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định để mời gọi nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, Ban đã đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài khu du lịch như: Cải tạo nâng cấp mở rộng các tuyến đường bao quanh khu du lịch (ĐT 784, ĐT 785 và đường Suối Đá - Khedol); đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử; đầu tư phát triển hạ tầng, tạo môi trường xanh – sạch – đẹp; hoàn chỉnh mạng cấp điện hạ thế tới các khu chức năng trong khu du lịch.

Nguồn: Vietnam Business Forum