09:38:31 | 27/5/2021
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã linh hoạt tận dụng lợi thế khi áp dụng chuyển đổi số trên nền tảng thương mại điện tử và ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do trong đó có EVFTA. Xung quanh chủ đề này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Hương Ly thực hiện.
Bà có nhận định gì về việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua thương mại điện tử thời gian qua?
Với doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Đây là phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Từ khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng xuất khẩu dự kiến được hưởng lợi lớn từ EVFTA như dệt may, da giày, nông sản để bù đắp sự suy giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Xin bà cho biết các doanh nghiệp cần phải làm gì để tiếp cận thị trường khó tính như EU thông qua thương mại điện tử?
Dịch COVID-19 tạo áp lực thay đổi, bắt buộc các doanh nghiệp phải mở hướng đi mới cho mình. Mặc dù đã có những lợi thế có sẵn từ các hiệp định FTA, các doanh nghiệp VN vẫn phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu. Để có thể xuất khẩu được sản phẩm qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự thích nghi với sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng, chính sách của sàn TMĐT.
Ngoài ra, doanh nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử cần tìm hiểu các quy định, cách thức để có thể xuất khẩu đúng tiêu chuẩn của nước sở tại, cách thức vận chuyển, thủ tục mở gian hàng, thời gian giao nhận hàng… Tất cả những yếu tố này đều tác động lên giá thành của sản phẩm.
Doanh nghiệp phải liên tục ứng dụng và cải tiến công nghệ số, chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình lên môi trường trực tuyến, để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Tận dụng hiệu quả phương thức xuất khẩu trực tuyến không chỉ cần chính sách, mà cần hỗ trợ nền tảng của các sàn thương mại điện tử lớn có phạm vi hoạt động trên thế giới.
Đâu là những rào cản đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua hình thức TMĐT, thưa bà?
Thứ nhật là kiến thức và kỹ năng. Ngoài những kiến thức trong lĩnh vực xuất khẩu, quy trình xuất nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải hiểu biết những công cụ đặc thù của thương mại điện tử. Thứ hai là những rào cản về văn hoá và ngôn ngữ. Cuối cùng đó là định vị sản phẩm và thương hiệu. Xuất khẩu qua thương mại điện tử là hướng đến người dùng cuối, do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải biết nắm bắt thị hiếu người dùng nước ngoài chứ không chỉ trong nước.
90% doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa và nhỏ, liệu họ có bị yếu thế khi cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn khi xuất khẩu hàng hóa hay không?
Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã rất thành công trên môi trường trực tuyến như café Trung Nguyên hay Bitis... Họ đã có kinh nghiệm triển khai trên các sàn thương mại điện tử Alibaba, Amazon… Tuy nhiên, sân chơi thương mại điện tử là sân chơi khá bình đẳng, mang đến cơ hội cho cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng thị trường. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động đã tham gia sân chơi này và thành công bước đầu. Phần lớn DN hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm, bánh kẹo…
Thật sự ngạc nhiên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lai có ưu thế rất lớn để cá biệt hóa sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Đặc thù của TMĐT là khối lượng hàng hóa giao dịch trên sàn thương mại điện tử không yêu cầu phải lớn, nhiều đơn hàng đòi hỏi các nhà cung cấp phải thiết kế, tùy biến sản phẩm theo từng từng yêu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có lợi thế hơn so với doanh nghiệp lớn trong việc sản xuất đáp ứng các nhu cầu cá biệt hóa sản phẩm. Đó cũng là hướng đi để các doanh nghiệp cần chú trọng nắm bắt để thành công hơn trong việc tiếp cận khách hàng thông qua thương mại điện tử.
Bà có những lưu ý gì để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới?
Chất lương và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử rất tốt. Nhiều người bán hàng lớn đã chủ động nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch hàng hóa của VN thông qua hình thức thương mại trực tuyến chưa lớn, chưa có sản phẩm thương hiệu mạnh. Vì vậy, chúng ta cần cải thiện là tăng cường tính cam kết (commitment), nỗ lực tập trung công sức của doanh nghiệp để khai thác công cụ số, nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho mình.
Cần lưu ý là thương mại điện tử là kênh để giúp chúng ta quảng bá thương hiệu, xây dựng nhận diện thương hiệu và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu, đầu tư vào việc thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo sức sống của sản phẩm phải dựa vào chất lượng nội tại của sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn chặt chẽ về hợp đồng, điều kiện xuất nhập khẩu, giao nhận, bao bì nhãn mác, theo yêu cầu của nước sở tại
Thương mại điện tử giúp chúng ta quảng bá thương hiệu rất nhanh, nhưng nếu có vấn đề xảy ra thì cũng khiến thương hiệu hàng hóa bị tổn thương nghiêm trọng, cần đặc biệt lưu ý khi áp dụng các công cụ số để xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI