Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

15:50:39 | 15/7/2021

Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ VHTT&DL trong xây dựng một đề án về du lịch tại nông thôn với mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn và có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị này.

Thực hiện Công văn số 10054/VPCP-NN ngày 01/12/2020, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát thực trạng phát triển trang trại du lịch, du lịch nông thôn tại một số địa phương. Kết hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố, Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, và cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025".

Phát biểu khai mạc hội thảo ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, gắn phát triển du lịch với xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2025. Để có thể xây dựng đề án sâu rộng, sát với thực tiễn, và phát huy hiệu quả tối cao, Thứ trưởng muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương nơi có cơ sở du lịch nông thôn.

"Chúng tôi cần những ý kiến xác đáng để hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng, đồng thời có cơ sở triển khai đề án xây dựng NTM gắn liền phát triển du lịch cộng đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia", Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có 7 nội dung cần làm rõ khi gắn phát triển du lịch với xây dựng NTM. Một, là cơ chế, chính sách gần như chưa có. Bộ NN-PTNT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước mắt cần xây dựng đề án, chủ trương, trước khi trình Chính phủ. Hai là quy hoạch về du lịch nông thôn. Hiện tại các địa phương chủ yếu là phát triển một cách tự phát. Ba là quản lý du lịch nông thôn. Thứ trưởng Nam thông tin, rằng thời gian qua có một số hiện tượng không hay như lợi dụng du lịch nông thôn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, rất cần biện pháp để vừa phát triển vừa đảm bảo khâu quản lý.

Bốn là phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Hiện Bộ NN-PTNT đã phát triển chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhưng vẫn cần nghiên cứu bổ sung thêm một số sản phẩm nữa. Chẳng hạn, kiến trúc, cảnh quan, hoặc những văn hóa phi vật thể như múa, hát.

 Năm, là phát triển thị trường khách du lịch theo hướng đa dạng, tạo môi trường thông thoáng cho các công ty lữ hành như để hình thành các tour du lịch, chuỗi giá trị. 

Sáu là phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Hiện trên cả nước, các dịch vụ du lịch loại này chủ yếu là hình thức tự cung cấp từ các gia đình, dẫn đến tình trạng chưa phát triển bài bản. Cuối cùng, là huy động nguồn lực để phát triển du lịch nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam coi hai nội dung cuối cần "đặc biệt chú trọng". Ông đề nghị các Bộ, ban, ngành cần vào cuộc quyết liệt. Ví dụ, Bộ Văn hóa -, Thể thao và Du lịch soạn thảo bộ tài liệu, hướng dẫn cơ sở phát triển nguồn lực, hoặc tập huấn cho chính các chủ homestay, mô hình trang trại nông nghiệp, nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng.

"Trong 19 tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta có lẽ phải gắn thêm tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng", Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá, du lịch nông thôn giúp nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Bên cạnh việc tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, loại hình du lịch này còn giúp người dân có ý thức cao hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo lối sống văn minh, lành mạnh và mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng được tốt hơn. Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng với các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố cho thấy, có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn.Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát. Một số địa phương có mô hình quản lý du lịch cộng đồng như: Quảng Trị, Đồng Tháp, Bến Tre…  và hiện, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là, các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…Để quản lý du lịch nông thôn, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.

Sản phẩm du lịch được xây dựng cũng cần đảm bảo 3 yếu tố: đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương; đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cùng đó là phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quảng bá sản phẩm OCOP.

Hiện hai Bộ đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Đề án góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và chất lượng; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn.

Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025 là hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), thay mặt ban soạn thảo đề án, nêu 7 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Đó là: (1) Hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn. (2) Phát triển hệ thống điểm du lịch nông thôn, tăng 10% số làng văn hóa du lịch, làng du lịch cộng đồng được công nhận đạt chuẩn. (3) Ít nhất 200 dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, ít nhất 10% sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. (4) Ít nhất 20% xã NTM triển khai đề án phát triển du lịch nông thôn đạt tăng trưởng 5% năm về lượng khách du lịch. (5) 30% làng nghề truyền thống tham gia và chương trình. (6) Xây dựng thí điểm các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với di sản văn hóa, làng nghề. (7) Xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, quản lý, vận hành các mô hình.

Đại diện tỉnh Lâm Đồng cho biết: du lịch nông thôn là xu thế của thời đại. Việt Nam có điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển loại hình du lịch này. Đề án cần làm rõ các khái niệm, bổ sung tiêu chuẩn du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn quốc tế.Lâm Đồng có các điểm du lịch đã có thu nhập gấp từ 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần nên mục tiêu đặt ra của đề án gấp 2 lần còn thấp. Đề án cũng cần làm rõ việc có hay không lưu trú trong du lịch nông thôn.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc quản lý du lịch thuộc cấp huyện trở lên và nếu phát triển du lịch nông thôn thì cấp quản lý cần mở rộng. Bên cạnh đó, cần xác định là làm du lịch trong nông thôn chứ không phải nông thôn làm du lịch để tránh những tác động sau này. Cùng với đó là có sự chuyển đổi số trong du lịch nông thôn.

Để tránh việc lợi dụng du lịch nông nghiệp đất để chuyển mục đích sử dụng đất hay phát triển không đúng mục đích, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề là cần phát triển nhưng phải quản lý được. Thứ trưởng mong muốn các địa phương, đơn vị tiếp tục góp ý cho đề án này.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)