11:27:38 | 16/7/2021
Chiều 15/7, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NNPTNT) đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Tham vấn về Đề án "Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025” với 3 tiêu chí nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.
Đề xuất 3.000 tỷ đồng cho chuyển đổi số nông thôn mới
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tiềm năng chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam rất lớn. Cơ sở hạ tầng công nghệ đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao có kết nối 3G và 4G, trong đó mạng 4G đã phủ sóng khoảng 95% địa bàn các xã trên cả nước. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên cả nước thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc kết nối liên thông giữa các bộ, ban ngành và các tỉnh, thành phố. Mức độ phổ cập đối với các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông chủ yếu tập trung ở thành thị, thậm chí đạt tới mức bão hòa ở nhiều nơi. Trong khi, các dịch vụ này ở vùng nông thôn, nơi chiếm hơn 70% dân số, còn thấp và nghèo nàn
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư cho biết, sau 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thu hẹp khoảng cách về thu nhập và hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị, khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa phát huy hết các tiềm năng và dư địa của nông nghiệp, nông thôn.
Cũng theo ông Tiến, trong bối cảnh chuyển dịch số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại nông thôn cũng đã được manh nha triển khai tại một số địa phương, nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Nhiều địa phương cũng đã thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành NTM, mới đây nhất là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…Nhưng nhìn chung, việc chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong nông nghiệp và xây dựng NTM còn hết sức hạn chế, manh mún và mang nặng tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn rất thấp (dưới 10%); chưa xây dựng được hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trọng như dân cư, đất đai; còn thiếu nguồn lực tài chính cho triển khai chuyển đổi số ở nông thôn…
"Hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Mục tiêu hướng tới mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý", ông Tiến khẳng định. Trong chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 cần thiết phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 để có được cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, đặt chuyển đổi số và xây dựng NTM thông minh là một số xu hướng tất yếu, đề xuất các hoạt động cần thiết và tổ chức triển khai hiệu quả, hợp lý. Ông Tiến khẳng định
Trong nội dung dự thảo của Đề án "Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025" thực hiện theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 749/QD-TTg với nguồn lực huy động linh hoạt gồm ngân sách TƯ và các nguồn huy động từ cộng đồng với dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng (nguồn trung ương là 300 tỷ đồng, địa phương 900 tỷ đồng, còn lại là huy động).
Đề án nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng CNTT vào đời sống và sản xuất, hướng tới đối tượng thụ hưởng là cộng đồng dân cư và các tổ chức, doanh nghiệp khu vực nông thôn. Theo đó, đề án tập trung nâng cao nhận thức, năng lực chuyển đổi số cho cán bộ và người dân; hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm thành lập hệ thống cơ sở dữ liệu số quốc gia về xây dựng NTM...; Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng số và dữ liệu số về viễn thông, CNTT, chuẩn hóa dữ liệu và kết nối đồng bộ dữ liệu,... Từ đó,hướng đến xây dựng xã NTM thông minh...
Ông Phạm Văn Thịnh - Phó Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số, (Cục Tin học hoá, Bộ TTTT) cho biết, trong thời gian vừa qua, các cơ quan liên quan đã tổ chức hơn 50 hội nghị, hội thảo quy mô quốc gia trong nước và quốc tế, cấp bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số, kết hợp truyền thông trực tuyến mở trên nền tảng Internet tới cả cộng đồng; Tổ chức các giải thưởng về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển giải pháp: VietSolutions, Digital Award, ngày Chuyển đổi số Việt Nam,…
Nhiều mô hình hiệu quả
Hà Tĩnh là địa phương chủ động triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và hỗ trợ phát triển sản xuất...đạt được một số kết quả nổi bật.
Ông Nguyễn Hữu Dực - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Hà Tĩnh đã đưa công nghệ thông tin áp dụng vào vận hành hệ thống quản trị Chương trình OCOP Hà Tĩnh; hệ thống chấm điểm, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; quản lý các sản phẩm OCOP và kênh thông tin thương mại sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được tích hợp trên website https://dlsntm.vn/. "Hà Tĩnh xác định phát triển kinh tế số: Tập trung hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp và Chương trình OCOP; phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong Ngành nông nghệp đạt tối thiểu 10%, trong Chương trình OCOP đạt 30%; góp phần đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về CNTT; nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (PCI)" -
Trung ương tiếp tục quan tâm tư vấn, cử chuyên gia hỗ trợ Hà Tĩnh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay Hà Tĩnh đang thực hiện thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Trung ương chọn Hà Tĩnh triển khai thí điểm trong thực hiện chuyển đổi số và hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình chuyển đổi số. Ông Dực kiến nghị
Vừa qua, Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm mô hình xã thông minh cho Quảng Thọ và Vinh Hưng, 2 địa phương có những lợi thế, mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT - truyền thông ở các mức khác nhau. Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Bảo Hùng khẳng định: Việc xây dựng XTM nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong chính quyền xã để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn. Đồng thời, nâng cao kỹ năng số, mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hoá đặc trưng của xã trên môi trường số. Qua đó nhằm đánh giá, áp dụng nhân rộng trên toàn huyện, toàn tỉnh.
Theo ông Hoàng Bảo Hùng, để hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số, trước mắt, cần nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT, bổ sung nguồn lực chuyên trách CNTT và thúc đẩy sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành ở cấp xã. Hệ thống dịch vụ hành chính công và một cửa điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến và báo cáo số từ xã đến huyện đến tỉnh cũng cần sớm triển khai...
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI