10:36:39 | 21/7/2021
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 đối tác, trong đó có 3 FTA thế hệ mới. Theo kết quả nghiên cứu, nông sản, thủy sản, xuất khẩu gỗ nằm trong những mặt hàng được “hưởng lợi” nhiều nhất từ các FTA thế hệ mới của Việt Nam.
Cơ hội và thách thức từ các FTA thế hệ mới
Theo Hiệp định EVFTA, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thuộc ngành hàng nông, thủy sản chiếm 62% (cụ thể: hàng rau quả chiếm 49%, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến và các sản phẩm khác chiếm 38%. Các mặt hàng nông, thủy sản đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing sản phẩm các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU.
Theo các chuyên gia của châu Âu, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Việt Nam hiện là nhà cung ứng các sản phẩm nông sản quan trọng sang thị trường EU (cụ thể, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 25 về cung ứng rau quả, đứng thứ 13 về cung cấp cao su, đứng thứ 2 về cung ứng cà phê…vào thị trường EU). Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải,… Đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường kỹ tính này khi đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng cho mặt hàng nông sản chất lượng cao như chứng nhận Organic, Rainforest, Fairtrade… Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước EU sẽ tăng gấp 2 – 3 lần.
Bên cạnh đó, đối với ngành hàng thủy sản, Việt Nam là quốc gia đứng thứ nhất tại khu vực ASEAN, đứng thứ 2 tại Châu Á (sau Trung Quốc), và đứng thứ 6 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp thủy sản cho thị trường EU. Hoạt động xuất khẩu sang EU chiếm 15,11% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (theo thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2019). Bên cạnh các lợi thế trên, Hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng cam kết các ưu đãi về thuế nhập khẩu cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam (cụ thể như mặt hàng tôm nguyên liệu được giảm mức thuế từ 12-20% xuống còn 0%), điều này khiến Việt Nam gia tăng lợi thế đáng kể trong xuất khẩu hàng thủy sản so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Ecuador (12%), Ấn độ và Indonexia (4,2%)… Lợi ích từ EVFTA với nhóm ngành thủy sản Việt Nam là rất nhiều, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng là đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu cao từ thị trường EU khi các hàng rào kỹ thuật gia tăng, người tiêu dùng đòi hỏi chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc xuất xứ thuần túy, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc, chất gây ô nhiễm, biến đổi gen, và sự nghiêm ngặt về dán nhãn sản phẩm,…nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường cũng như chú trọng giá trị thiết kế tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm.
Trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, các nước thành viên cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm. Đáng chú ý, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều... được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm chế biến, đóng hộp xóa bỏ với lộ trình 3-5 năm. Đối với dứa ngâm đường, Nhật Bản xóa bỏ thuế lộ trình 10 năm.
Thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường, vốn đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực như Canada, Nhật Bản và Peru. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản được hưởng thuế 0% khi CPTPP có hiệu lực, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ... được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexico sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Xuất khẩu đồ gỗ và nội ngoại thất sang các nước Canada, Peru được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Nhật Bản cũng xóa bỏ thuế quan ngay với 97% kim ngạch XK và 100% sau 15 năm.
Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn, bao gồm cả những yếu tố phi truyền thống như lao động, môi trường, bởi CPTPP được đánh giá là Hiệp định có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành. Để tận dụng cơ hội về xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn “khắt khe” trong CPTPP về quy tắc xuất xứ, nhất là đối với lĩnh vực dệt may và thủy sản. Áp lực cạnh tranh chắc chắn không nhỏ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu vì các nước trong CPTPP như Australia, New Zeland, Peru vốn là những cường quốc có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Đối với thị trường Anh, theo Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 01/5/2021 sẽ mang lại lợi ích thương mại nhanh và trực tiếp cho Việt Nam. Cụ thể, dung lượng thị trường Anh rất lớn, kim ngạch nhập khẩu bình quân khoảng 700 tỷ USD/năm; theo cam kết của UKVFTA thuế nhập khẩu vào Anh đối với hầu hết các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam được miễn ngay lập tức hoặc theo lộ trình giảm khá nhanh (1 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 8 năm); UKVFTA có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm Việt Nam như nông sản, thủy sản, giày dép, sản phẩm cao su, đồ gỗ trước các sản phẩm cùng loại đến từ các đối thủ thương mại rất mạnh như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil, do các nước này chưa có FTA với Anh. Các mặt hàng nông sản được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch ngay lập tức gồm có cà phê, chôm chôm, xoài, vải nhãn, thanh long, dừa... Các sản phẩm tôm, cá ngừ, cá xay, gạo thơm, tinh bột sắn và một số nông sản khác cũng được miễn thuế theo hạn ngạch. Gạo, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng nông sản có tiềm năng, lợi thế khai thác từ UKVFTA.
Tuy nhiên, cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã tham gia, UKVFTA mang lại không ít cơ hội nhưng cũng song hành cùng nhiều thách thức. Đối với ngành hàng nông sản, các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất cao (ví dụ Anh kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp. Nông sản nhập khẩu chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hóa chất dưới ngưỡng tối đa cho phép đối với từng loại sản phẩm). Dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong EVFTA nhưng đa số ngành hàng nông sản của Việt Nam vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế. Do vậy, để khai thác hiệu quả lớn từ Hiệp định UKVFTA, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường. Song song với đó, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, áp dụng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA thế hệ mới
Để khai thác được tiềm năng thị trường, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hoạt động XTTM giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, mục tiêu chung là duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5%-10% cho nhóm mặt hàng chủ lực thông qua trực tiếp nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngành hàng để hướng dẫn, gián tiếp nâng cao chất lượng sản phẩm được xúc tiến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành hàng, từng bước khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhóm ngành hàng nông sản thực phẩm được khuyến nghị làm trọng tâm cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 gồm: thủy sản, trái cây, chè, cà phê; hạt điều, hồ tiêu, gia vị, cao su, gạo.
Để nâng cao hiệu quả XTTM vào các thị trường có tiêu chuẩn cao, đáp ứng các cam kết khắt khe, các doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia cần đáp ứng các tiêu chí như: Doanh nghiệp có uy tín, có chứng chỉ; tham gia các chương trình quản lý chất lượng, thương hiệu quốc gia; có tiềm năng trở thành doanh nghiệp dẫn dắt, đầu đàn trong ngành; có khả năng đầu tư, tham gia tích cực các hoạt động chia sẻ, đóng góp cho ngành. Đối với lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, các doanh nghiệp này cần có vùng nguyên liệu có chứng chỉ, hệ thống sản xuất và quy trình quản lý chất lượng đảm bảo.
Bên cạnh đó, một số định hướng giải pháp cần triển khai đồng bộ, kịp thời để xúc tiến xuất khẩu bền vững như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào hoạt động XTTM; Triển khai hoạt động XTTM theo chuỗi từ khâu phát triển sản phẩm, xúc tiến đầu tư, xây dựng phát triển thương hiệu, phát triển thị trường xuất; Thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại Việt Nam ở thị trường tiềm năng; Xây dựng hệ sinh thái XTTM bao gồm các đối tác liên quan: nhà tư vấn phát triển sản phẩm, chiến lược phát triển thị trường, nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà xuất khẩu, nhập khẩu; và Xây dựng mạng lưới kết nối (networking) với các tổ chức XTTM quốc tế…
Lê Hoàng Tài
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương
Nguồn: Vietnam Business Forum
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI