Agribank Hà Giang: Đồng hành cùng phát triển kinh tế - xã hội địa phương

10:20:27 | 22/7/2021

Trải qua 30 năm phát triển (1991 - 2021), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Hà Giang (Agribank Hà Giang) không ngừng đổi mới vươn lên, khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Dấu ấn 30 năm phát triển

Agribank Hà Giang tiền thân là Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên, năm 1991 sau khi tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tuyên được tách thành Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Tuyên Quang và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Hà Giang.

Những ngày đầu mới thành lập, trong điều kiện tỉnh Hà Giang thuộc diện nghèo nhất cả nước, có điểm xuất phát thấp cả về kết cấu hạ tầng, kinh tế, trình độ dân trí; nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp là chính… Agribank Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn. Vào thời điểm đó Chi nhánh chỉ có 15 điểm giao dịch; 1 hội sở; 9 chi nhánh cấp 2; 5 phòng giao dịch; vốn huy động quản lý chỉ có hơn 10 tỷ đồng; tổng dư nợ trên 5,4 tỷ đồng; tổ Đảng Agribank Hà Giang có 13 đảng viên và phải sinh hoạt ghép cùng với Đảng bộ Ngân hàng.

Ông Nguyễn Trung Tuyến, Phó Giám đốc phụ trách Agribank Hà Giang chia sẻ: Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của thế hệ các cán bộ, công nhân viên người lao động Agribank Hà Giang, sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay nguồn vốn huy động nội tệ và ngoại tệ đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt trên 6 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động đến 31/5/2021 là 297 người; có 19 điểm giao dịch, trong đó có 11 chi nhánh loại 2 và 7 phòng giao dịch.

Hiện nay, số khách hàng của toàn hệ thống là trên 112 nghìn khách hàng. Tổng nguồn vốn Chi nhánh Agribank Hà Giang chiếm 37,3% tổng nguồn vốn trên địa bàn. Các sản phẩm dịch vụ mới ngày càng phát triển và mang lại lợi ích cho khách hàng. Số tài khoản hiện có toàn tỉnh là trên 122 nghìn tài khoản; có 25 máy ATM trong đó có 1 máy rút, gửi tiền tự động CDM. Các dịch vụ Mobile Banking, E mobile banking, trả lương qua thẻ cho hơn 1 nghìn đơn vị, thu hộ tiền điện, nước… ngày càng phát triển, đa dạng, phong phú đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn tự lực của Chi nhánh, sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên và nguồn vốn do Agribank hỗ trợ, Agribank Hà Giang luôn tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh, như: chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo giai đoạn 1 được Agribank Việt Nam hỗ trợ 38 tỷ đồng; chương trình xây trường đa năng Lùng Tám, trường Tiểu học Sủng Là 10 tỷ đồng. Hàng năm, Agribank Hà Giang còn thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội như: Hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi; hỗ trợ trang thiết bị giáo dục, y tế; thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng…

Khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn

Với vai trò cung cấp nguồn vốn tín dụng phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cả tỉnh, Agribank tỉnh Hà Giang luôn tiên phong triển khai các chương trình chính sách của ngành, của tỉnh, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng dư nợ, là chương trình tín dụng chính sách được Agribank Hà Giang tập trung ưu tiên triển khai với kết quả cho vay luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Chương trình cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã đưa ra những chính sách ưu đãi hơn đối với khách hàng trên địa bàn nông nghiệp nông thôn như mức cho vay không bảo đảm đối với từng đối tượng khách hàng được nâng lên, lãi suất ngắn hạn được ưu đãi theo Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)...góp phần đẩy mạnh đầu tư tín dụng trên địa bàn nông thôn.

Đồng thời, Chi nhánh tích cực, chủ động tiên phong cho vay các chương trình chính sách đặc thù của tỉnh như cho vay theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND; Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với kết quả: Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình trên 705 tỷ đồng với 1,875 khách hàng; dư nợ đến 30/04/2021 là 179 tỷ đồng. Việc chú trọng đầu tư cho vay theo các chương trình trọng điểm của tỉnh đã thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh của người dân, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hơn hết, nguồn vốn tín dụng của Agribank Hà Giang đã giúp người dân mạnh dạn mở rộng đầu tư, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân tự vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Chung tay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid - 19

Dịch Covid - 19 ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN và chỉ đạo của Agribank, tại Agribank Hà Giang đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do Giám đốc làm trưởng ban, với nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, nắm bắt kịp thời các khó khăn vướng mắc của các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thành lập Hội đồng miễn, giảm lãi, phí tại Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang và tại các chi nhánh loại II trực thuộc theo quy định hiện hành của Tổng Giám đốc. Thiết lập đường dây nóng tại Agribank tỉnh và Agribank các huyện để tiếp nhận thông tin và xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan…

Ông Nguyễn Trung Tuyến cho biết thêm: Hiện Agribank Hà Giang thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của NHNN và Quyết định số 535/QĐ-NHNo-TD ngày 25/03/2020 của Tổng Giám đốc Agribank; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo văn bản số 2596/NHNo-TD ngày 15/04/2020 của Tổng Giám đốc. Tùy theo tình hình thiệt hại của từng khách hàng, Chi nhánh xem xét hạ lãi suất cho vay tối đa 2,5%/năm đối với các khoản giải ngân từ ngày 01/4/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 khi khách hàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng và tiêu chí bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Agribank. Thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi: tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.

Ngoài ra, Agribank Hà Giang ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng đúng quy định, đúng đối tượng. Chủ động thông tin các cơ chế, chính sách liên quan đến dịch Covid-19 tới khách hàng vay vốn biết; rà soát và làm việc với khách hàng để tư vấn các biện pháp hỗ trợ phù hợp; hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng trong quá trình khách hàng cung cấp hồ sơ liên quan đến ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kết quả, tính đến 31/5/2021, Agribank Hà Giang hỗ trợ 22 khách hàng cơ cấu nợ với tổng dư nợ 20,4 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi 34 khách hàng tổng dư nợ được miễn, giảm lãi là 34,8 tỷ đồng, Cho vay ưu đãi về lãi suất theo văn bản số 2596/NHNo-TD là 502 tỷ đồng với 45 khách hàng.

Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương trong cả nước tác động tiêu cực đến nền kinh tế làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng, trong đó có Agribank Hà Giang. Agribank Hà Giang tiếp tục thực hiện triển khai các giải pháp trọng tâm theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và chỉ đạo của Agribank. Thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin, diễn biến dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch nhằm duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, an toàn, không gián đoạn hoạt động phục vụ khách hàng và đảm bảo sức khỏe người lao động.

Cùng với đó, Agribank tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN của tỉnh; duy trì dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh; đa dạng hóa cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, đảm bảo tăng trưởng về quy mô phù hợp với cân đối vốn, gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; xử lý và kiểm soát nợ xấu có hiệu quả, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng; thay đổi tư duy, tác phong giao dịch từ thụ động ngồi chờ khách hàng đến sang chủ động tìm kiếm, tiếp cận khách hàng đến giao dịch; thực hiện nghiêm túc các quy định của Agribank về trang phục giao dịch, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của Agribank, quảng cáo sản phẩm tại chỗ; đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử: E- Mobile Banking, Internet banking, Bacassurance, dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, viễn thông, ví điện tử… nhằm tiếp tục giữ vững vị thế ngân hàng hàng đầu Việt Nam, giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn: Vietnam Business Forum