08:24:57 | 3/8/2021
Theo Bộ Công Thương, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021 tiếp tục gặp khó khăn.
Quyết tâm không để đứt gãy nguồn cung
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Trong đó ngành khai khoáng tháng 7 giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể duy trì đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm
Đáng chú ý, tính chung 7 tháng năm 2021, IIP tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. “Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm…”- báo cáo nêu cụ thể.
Điểm đáng mừng là một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 55,9%; linh kiện điện thoại tăng 40%; ô tô tăng 39,6%; giày, dép da tăng 19,3%; sắt, thép thô tăng 16,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,4%; điện thoại di động tăng 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo và sợi tự nhiên cùng tăng 10,6%; quần áo mặc thường tăng 9,5%.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra, sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 so với cùng kỳ năm trước của 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ghi nhận 7 địa phương có chỉ số IIP tháng 7 giảm và 12 địa phương tăng.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Bên cạnh đó, tín hiệu vui tại một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số Khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.
Đơn cử như Bạc Liêu tăng 13,7% do sản xuất điện tăng 137,6%; Bình Phước tăng 12,2% do sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 29,5%; Hậu Giang tăng 10,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 27,2%, sản xuất đồ uống tăng 76,4%; Kiên Giang tăng 8,8% do sản xuất khoáng phi kim loại khác tăng 6,5%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 69,5%, sản xuất điện tăng 14%; Cần Thơ tăng 8,1% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 20,2%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 42,7%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 30,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 52%; Sóc Trăng tăng 7,6% do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,6%, sản xuất đồ uống tăng 67,4%; An Giang tăng 6% do ngành dệt tăng 20,2%; sản xuất trang phục tăng 0,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,1%; sản xuất khoáng phi kim loại khác tăng 14,6%.
Đối với các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số IIP các tháng 5, tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm trước của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh lần lượt là: Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%.
TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021, chỉ số IIP tháng 7/2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nỗ lực cho 5 tháng cuối năm
Bộ Công Thương dự báo, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc tuy nhiên những rủi ro thách thức vẫn còn hiện hữu. Trong nước, khó khăn, thách thức, rủi ro còn nhiều, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 rất thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải nỗ lực và có giải pháp phù hợp.
Theo đó tại thời điểm này diễn biến chung sản xuất công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: Nguyên vật liệu trên đà tăng giá hay dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Vấn đề vào lúc này sản xuất công nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể duy trì đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm.
Theo Bộ Công Thương để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, cần có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K.
Quan trọng hơn đối với từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, gãy chuỗi sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 1612/QĐ-BCT ngày 23/6/2021 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nỗ lực cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho ngành Công Thương trong năm 2021.
Bộ Công Thương sẽ bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí an toàn. |
Nguồn: congthuong.vn/
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI