08:39:22 | 24/8/2021
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Hà Nội đã có 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ... tiêu biểu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng. Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó có việc xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại quận, huyện, thị xã…
Duy trì sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều nông sản, sản phẩm OCOP không tiêu thụ được qua kênh bán hàng truyền thống. Để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn TP Hà Nội đã đưa nông sản, các sản phẩm OCOP bán trên các trang mạng xã hội và hướng đến đưa lên sàn thương mại điện tử. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân giải quyết lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại công nghệ số.
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, các hình thức bán hàng online, sàn thương mại điện tử đã trở thành điểm “đi chợ” của đông đảo người tiêu dùng Hà Nội. Tại đây, các “bà nội trợ” có thể lựa chọn đủ loại thực phẩm từ rau, củ, đồ khô, đồ tươi sống, đặc sản vùng miền với giá cả và thông tin sản phẩm rõ ràng, minh bạch, chi tiết.
Là một trong những thương hiệu thực phẩm sạch uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng, chuỗi cửa hàng Bác Tôm của anh Trần Mạnh Chiến những ngày qua luôn trong tình trạng căng mình để đáp ứng thật tốt nhu cầu thực phẩm tăng cao của khách hàng trong mùa dịch Covid 19.
Chủ thương hiệu Bác Tôm Ông Trần Mạnh Chiến chia sẻ, Bác Tôm đã thường xuyên làm việc với nhà cung cấp, chuẩn bị chu đáo hàng hóa cả về chủng loại và số lượng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá: “Trong quá trình làm việc, chúng tôi phối hợp rất tốt với nhà cung cấp. Lần này, cả chúng tôi và nhà cung cấp đều được thông tin đầy đủ đồng hành cùng với quyết tâm của Chính phủ do đó mặc dù sản lượng hàng bán ra tăng khá nhiều khoảng 30%, tuy nhiên giá cả chúng tôi vẫn giữ ổn định, không hề tăng giá bất cứ một mặt hàng nào”.
Bên cạnh đó, Bác Tôm cũng thay đổi phương thức bán hàng từ trực tiếp sang online, xây dựng các chương trình bán hàng độc đáo, tiện ích để thu hút khách hàng như các set combo rau củ thực phẩm theo ngày, theo tuần, các sản phẩm tăng sức đề kháng. Việc bán hàng online được khách hàng rất ủng hộ, minh chứng là doanh số thông qua phương thức bán hàng này đã tăng gấp 2 -3 lần so với trước đây.“Chúng tôi cũng có những chương trình thêm để khích lệ khách hàng mua sắm online, hạn chế việc đến cửa hàng bằng các gói sản phẩm, ví dụ như bán hàng theo combo tức là các sản phẩm đẩy đủ cho một bữa ăn của khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng có các sản phẩm về sức khỏe giúp tăng sức đề kháng như mật ong rừng, gừng, tỏi”.Trong thời điểm dịch Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên trong quá trình giao dịch, toàn bộ chuỗi cửa hàng của thương hiệu Bác Tôm đều quán triệt chủ trương “giãn cách xã hội”, yêu cầu khách hàng vào mua hàng phải đeo khẩu trang, theo thứ tự, không tập trung quá đông trong cửa hàng. Ngoài ra, bên ngoài mỗi cửa hàng đều được trang bị bình xịt sát khuẩn để khách hàng rửa tay trước và sau khi vào cửa hàng.
Không chỉ với Thương hiệu Bác Tôm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã chuyển sang mua hàng qua mạng internet. Đây cũng chính là cơ hội để các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp chuyển đổi sang phương thức mua bán trực tuyến.Tuy nhiên, để gặt hái thành công trong thương mại điện tử đối với người nông dân, hợp tác xã hay các doanh nghiệp nhỏ là cả vấn đề. Để bán hàng trên mạng xã hội, đòi hỏi các chủ thể OCOP cần thành thạo công nghệ; có kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trực tuyến và quan trọng hơn là giữ “chữ tín”. Đặc biệt, với sản phẩm OCOP, để tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về chất lượng do các sàn giao dịch đặt ra.
"Để hỗ trợ việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, TP.Hà Nội đang nỗ lực triển khai hình thức bán nông sản bằng hình thức online, livestream để tránh việc đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn". Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trựcVăn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội. |
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2020, thành phố có 1.054 sản phẩm OCOP. Trong đó, chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ... Việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Giải pháp hiệu quả
Để ổn định tình hình tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam các sở, ngành cần tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm về vốn và lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng hành lâu dài với nông dân, các hợp tác xã... Các địa phương theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trứng bị dồn ứ cục bộ do ảnh hưởng của dịch bệnh (nhà hàng, khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể đóng cửa) để những doanh nghiệp như Biggreen chủ động hơn trong khâu thu mua.
Mới đây,để tiếp tục trợ giúp các chủ thể, các nhà phân phối, bán lẻ sản phẩm OCOP trên thị trường, mới đây, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn trực tuyến miễn phí để nâng cao kiến thức, kỹ năng bán hàng cho các chủ thể của Chương trình OCOP. Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất kết nối với nhau để hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thương mại điện tử.
Văn phòng Điều phối xây dựng chương trình NTM Hà Nội đã tổ chức khóa đào tạo miễn phí về bán hàng nông sản bằng hình thức online, livestream cho các đơn vị kinh doanh nhỏ và nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội, không phải ai bán hàng online cũng thành công, do không có kinh nghiệm và không được đào tạo bài bản nên doanh thu của nhiều đơn vị đã sụt giảm. Chính bởi vậy, việc đào tạo cho các đơn vị kinh doanh, nông dân bán hàng nông sản bằng hình thức online, livestream là rất cần thiết.
Bà Trịnh Kim Thư - Giám đốc Công ty CP MD Queens (đơn vị tham gia khóa đào tạo) chia sẻ: "Bản thân rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang bán hàng theo cách truyền thống, nên việc thay đổi tư duy kinh doanh sang bán hàng online thật sự khó khăn. Tuy nhiên, để thích ứng trong điều kiện dịch Covid-19 thì các đơn vị cần chuyển đổi phương thức bán hàng sao cho phù hợp".
Tham gia khóa đào tạo, các đơn vị, nông dân sẽ được hướng dẫn cách quay hình giới thiệu sản phẩm như thế nào, xây dựng kịch bản bán hàng online ra sao, hay cách để xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội...
Đánh giá hiệu quả về hình thức bán hàng online, livestream, ông Nguyễn Thành Trung - nhà sáng lập Viên Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN cho biết, khi tham gia bán hàng trên không gian "ảo", chủ thể đã vượt qua "nỗi sợ", tự tin quay video về bản thân cùng sản phẩm để livestream. Ông Trung cho rằng, với hình thức bán hàng mới này, các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là nông dân có thể chủ động kết nối tiêu thụ nông sản đến trực tiếp người tiêu dùng mà không cần phải qua khâu "trung gian" nào. Điều này làm giảm các chi phí, tránh được việc thương lái ép giá.
* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Hà Nội.
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc