Chìa khóa mở ra vận hội mới cho phát triển kinh tế

08:45:32 | 20/8/2021

Đường lối “Đổi mới” do Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đưa ra và được các Đại hội sau tiếp tục hoàn thiện và phát triển đã mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những cải cách sau 35 năm Đổi mới đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam đã “bứt phá” từ một nước nghèo để trở thành một nước có thu nhập trrung bình thấp với những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư...

Tăng trưởng ấn tượng

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ngưỡng mộ. Trong giai đoạn 2002-2018, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD vào năm 2019. Cùng với đó, đã có hơn 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo; tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống dưới 6%.

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi nhanh chóng nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong nước và định hướng xuất khẩu trong sản xuất. GDP thực tế của Việt Nam đã tăng 7% vào năm 2019. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Từ năm 2020, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tuy chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng đã thể hiện được khả năng phục hồi mạnh mẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tác động của COVID-19 ở Việt Nam không nghiêm trọng như các nước khác do Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp chủ động ở cấp quốc gia và địa phương. Khuôn khổ kinh tế vĩ mô và tài khóa vẫn được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua”. Việt Nam đã đạt được những kết quả vượt bậc, trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, tất cả các cán cân lớn đều được đảm bảo.

Trong nửa đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển theo đà tích cực đạt được từ năm 2020, dù làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư vẫn diễn biến phức tạp và đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%; hơn nữa, GDP quý II/2021 tăng 6,61%, cao hơn mức tăng 4,48% của quý I/2021.

Thương mại và đầu tư tiếp tục tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao hàng đầu thế giới. Trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng đều qua các năm với mức tăng đáng kể. Theo đánh giá, khi nền kinh tế và thương mại thế giới nóng trở lại, nhất là các thị trường chính của các nước phát triển có tham gia các hiệp định thương mại (FTA) cùng Việt Nam (như CPTPP, EVFTA, RCEP…) chắc chắn sẽ tạo xung lực tích cực cả về dòng vốn đầu tư, cơ hội mở rộng thị trường và giá cả để kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng mạnh hơn trong thời gian tới.

Minh chứng cho điều này là trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so cùng kỳ năm trước.

27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Trong đó, điện thoại và linh kiện tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Sau 35 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam cũng đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 33.463 dự án, tổng vốn đăng ký 349,9 tỷ USD. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).

Đáng chú ý, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vốn FDI vẫn khả quan với nhiều dự án lớn đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó phải kể đến dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 750 triệu USD; Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam: 498 triệu USD; Dự án của Intel: 480 triệu USD; Dự án của Foxconn: 280 triệu USD... Ngoài ra còn một số dự án lớn đáng chú ý như Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối, sản xuất điện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD...

Đặc biệt, ngoài các dự án đã được cấp phép, hàng loạt dự án FDI “khủng” khác cũng đang xếp hàng vào Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đang hướng đến Việt Nam như một điểm đến mới trong làn sóng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Về lĩnh vực đầu tư, có 18 ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sản xuất, phân phối điện là lĩnh vực thu hút vốn nhiều thứ hai với 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Có thể thấy, diễn biến hoạt động đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng thu hút đầu tư là chú trọng vào những dự án công nghệ cao, làm nền tảng để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng rõ nét. Uy tín môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục gia tăng, với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nhân lực trẻ...

35 năm đổi mới với những nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam đã khẳng định được vị thế mới trên trường quốc tế. Với những thành tựu đã đạt được, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục thành công và chinh phục được những dấu mốc ấn tượng trong thời gian tới, trở thành một đất nước đổi mới, năng động và liên tục phát triển...

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)