09:10:16 | 16/8/2021
Bức tranh tổng thể về thương mại nội địa trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi do chịu tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19.
Thương mại nội địa “oằn mình” chống đỡ Covid-19
Trước tình hình diễn biến nhanh và phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Vì vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 291,8 nghìn tỷ đồng, giảm giảm 11,4% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, giảm 53,8%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 133 tỷ đồng, giảm tới 92,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, giảm 43%.
Trên thực tế, ngay từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các cơ quan chức năng, các địa phương và các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam lên phương án tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, triển khai các chương trình, hoạt động đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cung ứng kịp thời cho người dân. Do đó, đến nay tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân xô đi mua hàng tích trữ, giá cả tương đối ổn định.
Để tăng cường hỗ trợ người dân mua sắm qua kênh trực tuyến, Bộ Công Thương đã tập trung hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là hỗ trợ vận chuyển, thanh toán trực tuyến…
Dự báo xu hướng thời gian tới
Theo Bộ Công Thương, trong quý III, tình hình thương mại nội địa vẫn còn nhiều rủi ro, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa du lịch đã qua, ảnh hưởng tới các Chương trình kích cầu tiêu dùng.
Các chuyên gia phân tích, việc giãn cách xã hội đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đa số doanh nghiệp. Nhu cầu tích trữ thực phẩm tăng cao do hạn chế di chuyển, các ngành hàng không thiết yếu và chợ truyền thống đóng cửa, phần lớn người dân triển khai học tập và làm việc tại nhà, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập trung bình bị suy giảm… Vì vậy, người tiêu dùng buộc phải đánh giá lại các khoản ưu tiên cho mua sắm theo hướng tiết kiệm, tiêu dùng bền vững, hợp lý hơn.
Công ty Chứng khoán BSC đã đưa ra những dự báo khác nhau đối với từng ngành hàng tiêu dùng trong thời gian tới. Đối với hàng tiêu dùng thiết yếu trong quý III sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu tích trữ lương thực. Hàng điện tử (điện thoại, laptop,...) sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà và mùa tựu trường. Tuy nhiên, do mức nền cao của năm 2020 và vận chuyển khó khăn do giãn cách xã hội, BSC cho rằng các doanh nghiệp khó có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Đối với nhóm hàng không thiết yếu, BSC cho rằng các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi các cửa hàng vật lý (chiếm hơn 90% doanh thu) buộc phải đóng cửa và thu nhập trung bình người dân bị ảnh hưởng sau 4 đợt dịch từ năm 2020 đến nay.
Tuy nhiên, BSC cũng dự báo bức tranh tiêu dùng trong nước sẽ có gam màu sáng hơn trong năm 2022, khi các doanh nghiệp bán lẻ phục hồi lại tăng trưởng nhờ mở rộng quy mô chuỗi cửa hàng, thu nhập phục hồi và sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại theo xu hướng "mua sắm trả thù". Thống kê từ BSC cho thấy các doanh nghiệp lớn trong ngành tiêu dùng đều có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với tốc độ mở mới từ 15 - 25% trong năm nay.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường buộc các doanh nghiệp nghiêm túc nhìn nhận việc phải có kế hoạch sống chung với dịch, cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI