08:33:31 | 31/8/2021
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra từ đầu năm 2021 làm nhiều tỉnh, thành phía Nam nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ về phòng chống dịch. Điều này đã khiến các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tốn nhiều chi phí để vừa sản xuất, vừa chống dịch. Vì thế, việc triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ, chuẩn bị cho DN vượt khủng hoảng đại dịch, cần chủ động và dài hơi.
Bức tranh doanh nghiệp nhiều gam màu xám
Làn sóng dịch thứ 4 diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương phải giãn cách, cách ly xã hội kéo dài, một lần nữa đẩy DN vào tình cảnh khó khăn. Bên cạnh những ngành vẫn làm ăn có lãi, thậm chí tăng trưởng mạnh, ngược lại sức khỏe của một số nhóm DN một lần nữa đặt trong trạng thái báo động. Vấn đề triển khai các gói hỗ trợ, các chính sách "cấp cứu" DN đã nóng hơn bao giờ hết.
DN sản xuất gồng gánh thêm nhiều chi phí khi phải đảm bảo vừa cách ly vừa đảm bảo an toàn sản xuất
Thực tế, trước khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát vào cuối tháng 4, Chính phủ và các Bộ ngành cũng đã đưa ra một số quyết sách để hỗ trợ DN trước tình hình bình thường mới. Điển hình là Nghị định 52 được Chính phủ ban hành ngày 19/4 về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021. Quy mô giãn nộp thuế khoảng 115.000 tỷ đồng... Ðây cũng là lần thứ ba Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh. Cách triển khai cũng được thay đổi theo hướng đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ khi mà người nộp thuế chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế.
Nhiều chính sách về hỗ trợ giảm chi phí cho DN như điện, nước... phục vụ sản xuất cũng đã và đang được triển khai nhanh chóng. Dù vậy tình trạng giãn xã hội cách kéo dài gây ra khó khăn lớn nhất cho DN nhất là ách tắc doanh thu, trong khi vẫn phải gồng gánh nặng thêm nhiều chi phí phát sinh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, do ảnh hưởng của Covid-19 nên chỉ trong 7 tháng/2021, gần 80.000 DN đã phải rời bỏ thị trường. Từ nay đến hết năm 2021, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số lượng phá sản cũng phải lên tới con số trên 100.000 DN. Tài chính với DN giống như máu trong bộ máy tuần hoàn cơ thể, mất thanh khoản cũng sẽ kéo theo các hệ lụy suy kiệt DN, các đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản dây chuyền, kéo dài... Có thể nói, chưa bao giờ DN rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại. Trong điều kiện dịch bệnh việc đứt gãy chuỗi sản xuất sẽ làm DN mất luôn thị trường. Khó khăn khác nữa là DN đang vướng về xếp hạng tín dụng ngân hàng, đây là quy định, cả ngân hàng và DN đều khó trong tình huống này.
Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, khó khăn lớn của DN hiện nay còn là sức mua của người dân giảm nhiều do nhiều địa phương thực hiện giãn cách, việc đi lại khó khăn và người dân chỉ sử dụng những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu. Khó khăn về doanh thu, chi phí sản xuất, phân phối của DN trong dịp này là rất lớn khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, phí xét nghiệm cho lái xe, cho người lao động... Chi phí tăng trong khi doanh thu giảm là điều khiến nhiều DN như đang phải đối mặt.
Doanh nghiệp cần chủ động và chính sách hỗ trợ cần dài hơi
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để vượt qua khủng hoảng, vượt khó qua dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các DN buộc phải đối mặt và xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi. Trong lúc này, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi hình thức làm việc và phương pháp quản trị là điều DN phải áp dụng nhanh, biến khó khăn thành thách thức để vượt qua.
Theo Giáo sư Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đây là thời điểm cần nhìn xa hơn, Nhà nước nên chú trọng kiến tạo các cơ chế để nguồn tiền hỗ trợ thực sự khơi thông được năng lực sản xuất và phát triển của DN chứ không đơn thuần là hỗ trợ tiền theo nghĩa đen. Một bộ phận DN cũng nên thay đổi cách nhìn nhận, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo để tự cứu mình trước trong cơn bão suy thoái vì đại dịch... trước khi trông chờ vào một gói hỗ trợ nào đó. DN cũng cần có một kế hoạch về chiến lược phát triển, kế hoạch tài chính dưới những giả định về dịch bệnh khác nhau và phải được thực hiện ngay từ bây giờ. DN không thể ngồi yên chịu trận trước tác động của dịch bệnh nên cần có kế hoạch về bán hàng ra sao, cách tiếp cận thế nào? Như bất động sản có thể tạo một kênh giới thiệu, bán hàng ảo và dẫn khách hàng đi xem qua công nghệ…
Về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập DN và tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn tài chính để phục vụ kinh doanh cũng như cho phép DN giãn nợ năm 2021- 2022. Đặc biệt, chính phủ có thể hỗ trợ DN các chi phí chống dịch như xét nghiệm, phun khử khuẩn; sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động, nhất là các DN triển khai vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp cho người lao động. DN cần được tiếp cận những chính sách dài hơi đảm bảo cho lập kế hoạch sản xuất trong tình hình mới.
Nguồn: congthuong.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI