Kinh doanh với thị trường Nga và những vấn đề lưu ý với doanh nghiệp Việt

09:47:09 | 3/11/2021

Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác chiến lược duy nhất của Liên Bang Nga ở khu vực Đông Nam Á. Tầm cao của quan hệ chính trị, đối ngoại tin cậy tốt đẹp là điều kiện thuận lợi cho các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ giữa hai nước. Thêm vào đó, Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam – EAEU (VN-EAEU FTA) đã có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016 được xem là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư hai nước.

Tiềm năng cho hàng nông sản và thủy hải sản

Tại Hội thảo kết hợp đào tạo kỹ năng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Liên bang Nga và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) do VCCI phối hợp tổ chức vừa qua theo hình thức trực tuyến, ông Tsygankov Kirill - Cố vấn thương mại, Đại diện Cơ quan đại diện thương mại LB Nga tại Việt Nam đánh giá, nếu xét đến các phân khúc thị trường có triển vọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì cơ hội to lớn có thể thấy ở xuất khẩu hàng nông sản như: rau quả tươi và đóng hộp, cà phê, thủy sản, hàng dệt may, đồ gỗ và các sản phẩm ngành chế biến gỗ, đặc biệt là bàn ghế mây dùng ở ngoài trời đang được ưu chuộng ở Nga.

Một phân khúc có triển vọng nữa là thủy hải sản của vùng biển phía Nam của Việt Nam như: tôm hoàng đế, tôm hùm, cá ngừ, cá cam Nhật (Seriola quinqueradiata), cá thu Nhật (Scomberomorus), mực. Các loại hải sản này không cạnh tranh với hàng Nga ở thị trường nội địa, mà ngược lại bổ sung cho các mặt hàng là hải sản vùng nước lạnh phía Bắc. Về vận chuyển thì các mặt hàng này nên vận chuyển bằng đường biển trong container lạnh.

“Việt Nam có cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, thực phẩm. Chúng tôi kêu gọi các bạn Việt Nam tích cực hơn nữa xúc tiến hàng hóa của mình sang thị trường Nga”, ông Tsygankov Kirill nói.

Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, Liên bang Nga là thị trường nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản lớn nhất tại khu vực Đông Âu. Theo thống kê của LB Nga, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Nga tăng khá, nhưng phần lớn vẫn còn chiếm thị phần khiêm tốn trên thị trường Nga.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch khá có thể kể đến là các mặt hàng nông sản như : cà phê, hạt điều, hạt tiêu, xoài sấy ( mặt hàng mới có nhiều triển vọng), xoài tươi, chuối, bưởi, chanh và các mặt hàng thủy sản như cá phi lê, tôm, cá khô, hun khói, cá mực...

Ông Dương Dương Hoàng Minh cho rằng, trên thực tế, mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm thị phần lớn trong nhập khẩu của LB Nga (như cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu…), nhưng chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế. Các sản phẩm chế biến sâu hoặc có thương hiệu còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.  Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng trái cây của Việt Nam sang LB Nga có tăng trưởng mạnh kể từ khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, nhưng còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong nhập khẩu các mặt hàng này của Nga.

Làm tốt công tác thị trường sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu

Theo ông Dương Hoàng Minh, vừa qua Liên minh kinh tế Á-Âu đã đưa 76 nước (trong đó có rất nhiều nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam về xuất khẩu hàng nông thủy sản vào thị trường LB Nga và EAEU như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Chile, Peru…) ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của khối. Như vậy, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh và Nga được hưởng mức thuế ưu đãi theo cam kết tại Hiệp định VN-EAEU FTA, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác vào EAEU và Nga sẽ chịu mức thuế nhập khẩu thông thường (trước đây bằng 75% mức thuế bình thường).

Để tận dụng tối đa các ưu đãi của FTA trong bối cảnh nói trên, ông Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan/tham gia các triển lãm chuyên ngành tại LB Nga, đối với hàng nông sản, thực phẩm là World Food Moscow (tháng 9 hàng năm), Prodexpo (tháng 2 hàng năm)… để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ hàng hóa… của người dân Nga, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, HTX. Các doanh nghiệp XK chè, nông sản, trái cây, thủy sản, thực phẩm nên tham dự các triển lãm này.

Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã thành công trong thâm nhập thị trường Nga thông qua việc tham dự các hội chợ/triển lãm (hạt điều, đồ uống, xoài sấy, cà phê…). Theo Thương vụ VN tại LB Nga, nếu làm tốt công tác thị trường sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang LB Nga. Hiện nay, việc tham dự các hội chợ triển lãm tại LB Nga của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế.

Đặc biệt, theo ông Minh, Nhà nước cần có chính sách khuyển khích để các HTX, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều. Đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch từ thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, rồi bao bì, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của thị trường… Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng diện mặt hàng với mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng...

Anh Mai (Vietnam Business Forum)