09:44:00 | 9/11/2021
Thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường chiều ngày 8/11, các Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các địa phương cần có gói hỗ trợ lớn hơn cho doanh nghiệp, xem đây là nguồn đầu tư trở lại để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5% có thể đạt, nhưng phải quyết tâm thật lớn
Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận tại nghị trường
Đồng thời, Quốc hội thảo luận về: Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm (2022-2024), trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) nhưng đây là năm đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội bởi tác động của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% là mức thấp nhất trong 20 năm qua; riêng quý III tăng trưởng âm 6,17%. Tình hình kinh doanh và đời sống nhân dân gặp vô cùng khó khăn, nhất là ở các tỉnh bùng phát dịch bệnh, người dân trong khu cách ly, khu phong toả.
Thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội ngày 8/11
Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu tốt, như thu ngân sách tăng so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, nông nghiệp tăng trưởng khá, xuất khẩu hàng hoá tăng so với cùng kỳ… Với kết quả kiểm soát dịch bệnh tương đối ổn, hiện nay, doanh nghiệp quay lại hoạt động khá nhanh; cùng với những chính sách, giải pháp Chính phủ đã nêu trong báo cáo và trên nền tăng trưởng của năm 2021 này, theo tôi mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% có thể đạt được nhưng phải quyết tâm thật lớn từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn hơn, xem đây là nguồn đầu tư trở lại để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. "Nếu chúng ta bỏ một đồng cho doanh nghiệp, có thể tạo thêm công ăn, việc làm, doanh thu từ đó kích thích quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn. Quá trình đó, cần quan tâm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì khu vực này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp hiện nay, là nơi có nhiều lao động nhất" - đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu.
Theo báo cáo của Chính phủ cho biết cả năm 2021, tổng số tiền các cấp, các ngành thực hiện miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất… khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó các khoản được gia hạn là 115 nghìn tỷ đồng; các khoản miễn giảm là 3 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,5%. Khoản này theo đại biểu đoàn Bình Thuận là quá thấp, chưa tương xứng với đóng góp của doanh nghiệp cho công tác phòng, chống dịch và thiệt hại của doanh nghiệp trong đại dịch.
Các tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất cần cơ chế, chính sách đặc thù
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - đoàn Đại biểu Quốc hội tinh Ninh Thuận chia sẻ, đợt dịch Covid-19 bùng phát đã tạo ra sự chuyển dịch lao động lớn làm thiếu hụt lực lượng lao động phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh ở địa bàn đi nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần điều tra, khảo sát, nắm bắt đúng nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của người lao động và cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, những hỗ trợ cần thiết để bảo đảm an sinh, để người lao động tái thiết cuộc sống, an tâm về vấn đề sức khỏe, nhà ở và môi trường việc làm. Từ đó kích thích người lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Về lâu dài cần phải nghiên cứu, bố trí lại lao động trong nền kinh tế.
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển. Trước hết là cần phải rà soát, tháo gỡ giải quyết những kiến nghị đề xuất của các địa phương, nhất là những địa phương có khó khăn về nguồn lực đầu tư nhưng có tiềm năng, lợi thế, dư địa đặc thù.
Đại biểu Quốc hội tinh Ninh Thuận lấy ví dụ như tỉnh Ninh Thuận, một tỉnh có xuất phát điểm còn thấp, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng đó cũng là lợi thế của tỉnh về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, rất dồi dào về điện mặt trời, mạnh về nắng và gió, đặc biệt là có cảng nước sâu Cà Ná có khả năng đón tàu có tải trọng trên 300 nghìn tấn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng.
“Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời cũng nhờ có Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Ninh Thuận phát triển” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển, kinh tế xã hội ổn định, sản xuất, đời sống của nhân dân giai đoạn 2018-2023. Theo đó, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nghiên cứu phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná.
“Nhờ đó trong hai năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao của cả nước. Có thể nói đây là một bước tiến vượt bậc. Rõ ràng, các tỉnh còn khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, thời cơ vươn lên phát triển” - đại biểu Quốc hội tinh Ninh Thuận nói.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các quyết sách để thực hiện đảm bảo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Cần thực hiện đảm bảo giải pháp được quy định tại Nghị quyết 55 là đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường điện cạnh tranh, có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu đấu giá và đặc biệt là trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện, có cơ chế khuyến khích, thu hút vốn ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng - đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai cho rằng, hơn 6 tháng qua, “cơn bão” Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có trên đất nước ta, gây ra những hệ lụy, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch xâm nhập sâu và diễn biến phức tạp tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, nhất là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Những tác động của dịch đã thể hiện rõ trong bức tranh kinh tế của các tỉnh thành này.
Ngoài thiệt hại về kinh tế, có thể nói các tỉnh, thành này vừa trải qua cơn bạo bệnh, căng mình trong “cơn sốt cao” kéo dài nhiều tháng. Do đó, đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Từ đó, giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế bởi đây là những nơi bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất. Khi tỷ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh thành này sẽ có nguồn lực để phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đồng thời, chủ động ứng phó với các tác động khác.
Quyết sách này cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện có và các gói kích thích kinh tế ban hành sẽ giúp các địa bàn kinh tế trọng điểm phục hồi về kinh tế, tạo tác động lan tỏa và kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam cũng như cả nước. Song song với đó, các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế số, tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là tạo điểm tựa cho hàng triệu lao động nhập cư.
Nguồn: congthuong.vn
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI