09:23:34 | 4/11/2021
Chuyển đổi số đang được coi là yêu cầu trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo. Ứng dụng công nghệ số được xem là chìa khóa mở ra tương lai mới cho nông nghiệp, chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị kéo dài suốt nhiều năm nay.
Chuyển biến từ các địa phương
Thực tế, để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, các địa phương cần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra. Đơn cử, hạ tầng số phải có sự đồng bộ về máy móc, thiết bị, cả ở phía người dân. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân, nhất là những người cao tuổi không có, hoặc không sử dụng các thiết bị cá nhân đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số như máy tính, điện thoại thông minh… Bên cạnh đó, hệ thống Internet, sóng wifi cũng phải được đầu tư đầy đủ để người dân có thể truy cập và thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Về lĩnh vực thương mại số rất khó để thực hiện sớm do sản xuất tại khu vực nông thôn vẫn mang tính chất nhỏ lẻ. Để tham gia thương mại số, sản xuất cần theo quy trình, bảo đảm cả về số lượng, chất lượng sản phẩm, có đầy đủ tem, nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ… Đặc biệt, là liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, mới chỉ có một số sản phẩm tham gia, như: Các sản phẩm từ sữa bò tươi, rau, củ, quả sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn…
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Thanh Hóa còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng NTM. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh luôn chú trọng việc ứng dụng CNTT và CĐS vào việc quản lý, điều hành như sử dụng phần mềm quản lý văn bản TDOffice, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về Chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP.
Để không “lỡ chuyến tàu” thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cụ thể, tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống quản trị Chương trình OCOP Hà Tĩnh; hệ thống chấm điểm, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; quản lý các sản phẩm OCOP và kênh thông tin thương mại sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được tích hợp trên website https://dlsntm.vn/, bước đầu đem lại những nguồn lợi kinh tế nhất định cho người dân.
Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong nâng cao chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở một số địa phương còn mang tính tự phát. Do vậy, cần tiếp cận một cách chủ động tổng thể, toàn diện với các bước đi và lộ trình phù hợp góp phần thúc đẩy nông thôn phát triển một cách bền vững hơn. Từ thực trạng trên, trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai 6 đề án chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM nổi lên sau 10 năm thực hiện. Trong đó có Ðề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025. Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Theo Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương, Ðề án sẽ hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó, thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng NTM. Ðồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, nhất là trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp trên địa bàn nông thôn, góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh và thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác chuyển đổi số còn hướng đến mục tiêu xây dựng được bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Công tác chuyển đổi số thuộc Ðề án xác định người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương, cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của xã hội và chuyển đổi số trong xây dựng NTM là một hướng mới, tạo động lực để phát triển. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân; tạo sự đột phá, diện mạo mới nông thôn. Ðồng thời hỗ trợ thay đổi cách tiếp cận và triển khai các hạng mục trong xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Trong quá trình thực hiện Ðề án sẽ khó tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Do vậy, đòi hỏi các địa phương cần phải chủ động và có quyết tâm cao để đưa chuyển đổi số vào xây dựng NTM, NTM thông minh. Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương và phối hợp Viện Chính sách quyết tâm triển khai sớm đề án cùng các đề án thành phần...
Triển khai thực hiện Ðề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trong giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn 2021-2023, dự kiến sẽ triển khai thực hiện các dự án ưu tiên. Giai đoạn 2024-2025, sẽ tổng kết các mô hình thí điểm về làng, xã thông minh tại một số tỉnh và rút bài học kinh nghiệm. Bổ sung chỉnh sửa bộ tiêu chí về làng, xã thông minh phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của NTM Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030. |
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI