14:18:15 | 3/11/2021
Theo dự báo của Vietnam Report, với những diễn biến xấu của dịch Covid-19 thời gian vừa qua, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước cũng như cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tới các quốc gia khác.
Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021 đối với 339 doanh nghiệp niêm yết cho thấy: có đến 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019 - 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, 24,4% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021. 14,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020. Còn lại, 8,3% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với lợi nhuận giảm 2 kỳ liên tiếp ( lợi nhuận năm 2020 giảm so với năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước).
Khó khăn về nguồn nhân lực để sản xuất, điều hành từ xa và đứt gãy chuỗi cung ứng
Trong cuộc khảo sát được Vietnam Report tiến hành vào tháng 8/2021, các doanh nghiệp PROFIT500 phải đối mặt với những thách thức lớn do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, chủ yếu là thiếu nhân lực để sản xuất do các quy định về giãn cách; Khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa; Đứt gãy chuỗi cung ứng; Sức mua giảm sút; Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Dù lợi nhuận toàn thị trường quý II tăng trưởng tích cực, nhưng đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hết sức nguy hiểm và kéo dài trong nhiều tháng qua, lợi nhuận trong quý III giảm đáng kể do các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng làm gián đoạn đà phục hồi. Triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành gặp thách thức lớn khi có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Đối với các nhà máy vẫn đang duy trì hoạt động phải đảm bảo theo mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) và test COVID 3 ngày/lần… do đó chịu chi phí vận hành rất lớn và buộc phải giảm 40-50% công suất. Bên cạnh đó, những rủi ro về lạm phát vẫn đang hiện hữu từ nay tới cuối năm.
Các chuyên gia cho rằng, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã gây ra không ít khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn những tháng cuối năm. GDP của Việt Nam trong quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Theo báo cáo cập nhật vừa được World Bank công bố, ước tính tăng trưởng năm nay của Việt Nam đạt 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% hồi tháng 9. Mức dự báo mới này dựa trên cơ sở GDP quý III bị suy giảm sâu và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế.
Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021
Theo báo cáo PROFIT500, những vấn đề chiến lược ưu tiên của DN trong những tháng cuối năm 2021 đã có nhiều thay đổi so với kết quả khảo sát được Vietnam Report tiến hành tại thời điểm tháng 8/2020. Theo đó, chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp để tăng lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2021, bao gồm: Tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hội; Tăng doanh thu bằng cách thúc đẩy bán hàng thông qua cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá/khuyến mãi, tìm kiếm và mở rộng thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động; Cắt giảm chi phí thông qua việc thường xuyên theo dõi ngân sách và đánh giá hiệu quả hoạt động; Ứng dụng chuyển đổi số.
Điều đáng nói là nhân tố mới xuất hiện trong top chiến lược ưu tiên năm nay và chiếm vị trí đứng đầu là “tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hộ”. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, trong thời gian vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn trở ngại vì dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp đã chung tay góp sức ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19. Qua đó cho thấy các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, đồng thời tạo được hình ảnh tích cực và nâng cao uy tín trong lòng khách hàng và đối tác. Mặt khác, thay vì giảm chi phí thông qua cắt giảm nhân sự theo kết quả khảo sát năm ngoái, khi bước sang năm 2021, các doanh nghiệp trong nghiên cứu PROFIT500 đã tập trung thực hiện chiến lược cốt lõi là tăng năng suất và chất lượng lao động, song song với ứng dụng chuyển đổi số và thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động để điều hành sát sao và kịp thời hơn.
Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do vậy, các doanh nghiệp PROFIT500 cho rằng, việc nhanh chóng kiểm soát dịch chính là yếu tố quyết định cho sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam. Song song với đó, Chính phủ cũng cần chú trọng tới các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Về chính sách tài khóa, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần kích thích tổng cầu, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm lãi suất cho vay, nới lỏng và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là điều hết sức cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; Giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ và tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên không gian số.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI