Thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam- Hoa Kỳ

18:07:56 | 18/11/2021

Trong suốt 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020. Con số này được kỳ vọng sẽ sớm hướng tới mục tiêu 100 tỷ USD trong thời gian tới.

Đây là khẳng định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh mới do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Hợp tác ngày càng chặt chẽ và hiệu quả

Ông Phòng cho biết, tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam giai đoạn 2010-2020 cũng tăng trưởng bình quân khoảng hơn 16%/năm. Ngoài ra, một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại rất tích cực giữa 2 nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways.

Về đầu tư, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh thành. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

“Đặc biệt, dù chịu tác động của đại dịch COVID – 19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như: chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm... Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam”, ông Phòng nhấn mạnh.

Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, hiện nay hai nước đang có rất nhiều mối quan tâm chung trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh mối quan tâm về an ninh quốc phòng, ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng quan tâm hơn đến vấn đề thực chất là kinh tế thương mại để khuyến khích thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. 

Tuy nhiên, bà Virginia Foote cho biết, có rất nhiều vấn đề hai bên cần làm việc với nhau để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư. Về TIFA, đây chính là điểm hai nước cần nỗ lực hơn do vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn yêu cầu của hai bên. Do đó, hai bên cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện những vấn đề này để có một cơ chế làm việc với nhau hiệu quả hơn.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay là phát triển kinh tế số, bà Virginia đánh giá Hoa Kỳ sở hữu những doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin và Việt Nam cũng đang dần có nhiều doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển dịch vụ số hai nước cũng phải xây dựng khung hoạt động của ngành này để các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, các ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, 2 bên cần thống nhất để tìm ra chuẩn mực chung cho các DN dựa vào đó để xây dựng và phát triển. Về chính sách thuế, bà Virginia Foote cho rằng, hiện chính sách thuế còn chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh thành, các thủ tục hành chính cũng cần tiếp tục giảm thiểu, nhất là các thủ tục tốn nhiều chi phí.

Đặc biệt, một trong những vấn đề doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm là lĩnh vực năng lượng. Theo bà Virginia Foote, quy hoạch điện 8, vấn đề điện khí ngoài khơi, hình thức năng lượng tái tạo… nếu có khuôn khổ quản lý, tạo lập như hợp đồng mua bán điện rõ ràng sẽ giúp cho VN có thể tận dụng nguồn lực toàn cầu mạnh mẽ. Từ đó thu hút đầu tư từ  các quỹ, các ngân hàng lớn trên thế giới. Điều này sẽ đóng góp vào tương lai xanh của Việt Nam.

Cần xây dựng lộ trình để nâng quan hệ đối tác toàn diện lên tầm đối tác chiến lược

Theo ông Phạm Quang Vinh, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hơn 25 năm qua đã có cơ sở vững chắc để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn nữa về tất cả các mặt và từ mối quan hệ đối tác đã trở thành đối tác toàn diện. Bắt đầu từ quan hệ ngoại giao, hai bên đã có sự trao đổi thường xuyên nhiều đoàn cấp cao các cấp, qua đó tạo khuôn khổ hợp tác tin cậy, sâu sắc hơn để hiểu biết, cũng như phát triển hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2021 đánh dấu đà mới cho quan hệ hai nước trong bối cảnh hai nước đều triển khai chiến lược mới phát triển và hợp tác quốc tế. Tổng thống Biden luôn coi trọng hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt chuyến thăm của Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã nhấn mạnh nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai nước và giữa hai nước với khu vực.

Việt Nam đề ra chiến lược để thực hiện tham vọng phát triển từ nay đến 2030 và tầm nhìn tới 2045 trong đó nhấn mạnh về hợp tác quốc tế và hội nhập, trong đó có Hoa Kỳ. Trong khi đó, Hoa Kỳ là một trong những nước tích cực giúp cho Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 bao gồm từ tài trợ vaccine và hỗ trợ tài chính, trang thiết bị để Việt Nam vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác hàng đầu, và luôn tạo mọi thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ này. Ngược lại, Hoa Kỳ coi trọng hợp tác với Việt Nam và luôn ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Hướng tới kỉ niệm 10 năm Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Vinh cho rằng, cần xây dựng lộ trình để nâng quan hệ đối tác toàn diện lên tầm đối tác chiến lược. Điều này phù hợp với lợi ích của cả Việt Nam và Hoa Kỳ và phù hợp với chính sách đối ngoại và khung quan hệ của việt nam với các nước.

Bên cạnh đó, hai nước cần rà soát cập nhật lại khuôn khổ hợp tác đã có và đang có. Hiện nay, các khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại đã dược xây dựng 1 thập kỉ trước đây, trong đó có Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước.

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại đã phát triển mạnh mẽ sâu rộng đồng thời Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn như tham gia đàm phán vào các Hiệp định như CPTPP và EVFTA. Do đó, những khuôn khổ hợp tác trước đây cần được cập nhật, bổ sung thêm để vừa thúc đẩy tiềm năng hợp tác vừa tháo gỡ những khó khăn mà hai nước đang quan tâm.

Đặc biệt, theo ông Vinh, có thể xem xét thêm 1 FTA song phương giữa hai nước trên cơ sở hợp nhất những cái đã có và những cam kết của Việt Nam. Hai bên cũng cần đẩy mạnh tham vấn trong khuôn khổ hợp tác, đặc biệt là TIFA để tháo gỡ, giải quyết khúc mắc để tăng cường hợp tác, tiếp cận thị trường của nhau.

Anh Mai (Vietnam Business Forum)