15:22:06 | 30/11/2021
Tháng hành động “Nói không với rác thải nhựa dùng một lần” được phát động trong suốt tháng 11 với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp và sự hưởng ứng của 1500 trường học nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là các em học sinh trong vấn đề rác thải nhựa một lần gây nguy hại môi trường.
Nhân dịp này, Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) về sự kiện này.
Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tin rằng các thầy cô và các em học sinh sẽ truyền cảm hứng về thói quen tiêu dùng xanh và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường
Rác thải nhựa sử dụng một lần đang trở thành vấn nạn hiện nay tại Việt Nam, thưa ông?
Rác thải nhựa hiện nay, đặc biệt về rác thải nhựa đại dương đang được cả thế giới quan tâm và là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối diện.
Theo nhiều công trình nghiên cứu về hành vi, thói quen tiêu dùng nhựa dùng một lần tại Việt Nam, việc tiêu thụ và sử dụng dường như đã đi sâu vào nhận thức và như một thói quen, bản năng sử dụng do tính tiện dụng, phù hợp với nhịp sống hiện đại, bận rộn. Đặc biệt với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc mua sắm trực tuyến dễ dàng, thuận lợi đã làm cho việc sử dụng và tiêu thụ nhựa dùng một lần nhiều hơn .
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, tỷ lệ chất thải bao bì, túi nilon trung bình tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng từ 6-8% và phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm những sản phẩm này mới bị phân huỷ trong môi trường. Điều đó phần nào cho thấy nhựa sử dụng một lần đang trở thành mối nguy hại nghiêm trọng tới môi trường và đó là gánh nặng và áp lực cho những đơn vị, nhà máy xử lý rác thải.
Trước mối nguy hại ngày càng tăng cao của rác thải nhựa sử dụng một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những quyết sách gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Với vai trò và là cơ quan thống nhất trong công tác quản lý chất thải rắn và là đơn vị chủ trì đầu mối trong hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần, phong trào Chống rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhiều chỉ thị, đề án, quyết định như: Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định 1316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam.
Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn và triển khai thực hiện nội dung giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, quản lý phế liệu nhập khẩu trong Luật BVMT 2020; tổ chức các nội dung, hoạt động để thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm mục tiêu sử dụng 100% túi nilon thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị cho mục đích sinh hoạt.
Ngoài ra, Bộ cũng đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP, các hoạt động thúc đẩy Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa của Diễn đàn Kinh tế thế giới….
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, rác thải nhựa sử dụng một lần trở nên phổ biến là do thói quen tiêu dùng của người dân, vì vậy bên cạnh việc tham mưu, tư vấn để ban hành các Chỉ thị, Quyết định, đề án và chương trình hành động, Bộ cũng dần đặc biệt chú trọng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền để khuyến khích người dân chuyển sang mua và sử dụng các sản phẩm khác thay thế thân thiện với môi trường. Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sắp được áp dụng từ đầu năm 2022 là quan điểm người gây ô nhiễm sẽ phải tự chịu trách nhiệm và trả kinh phí để xử lý ô nhiễm. Cụ thể, khi mua sắm những sản phẩm có kèm theo nhựa dùng một lần, người mua sẽ phải trả thêm phí cho những sản phẩm đó. Việc trực tiếp “đánh” vào kinh tế của tiêu thụ sẽ từng bước thay đổi hành vi, thói quen của người dùng, góp phần nâng cao nhận thức và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Như ông đã nói, công tác thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân đối với việc hạn chế sử dụng nhựa một lần. Với vai trò là cơ quan truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường đã hoạt động như thế nào?
Nhằm góp phần thay đổi thói quen, hành vi giảm thiểu, từ chối sử dụng nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong nhiều năm qua, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế triển khai nhiều chương trình khảo sát, đánh giá hành vi, thói quen người tiêu dùng cũng như mong muốn tiếp cận của cộng đồng về các thông tin tới nhựa dùng một lần. Thông tin về các hoạt động này trong thời gian qua đã được truyền thông, tuyên truyền rất rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và cho thấy những kết quả tích cực.
Để công tác truyền thông hiệu quả, gần hơn với đời sống ngươi tiêu dùng nhằm hướng tới các đối tượng trọng tâm, cụ thể, chúng tôi đã liên tục thay đổi, sáng tạo và tiếp cận các phương thức truyền thông mới để đa dạng trong các hoạt động tuyên truyền. Ví dụ như các phim hoạt hình về rác thải nhựa đại dương hướng tới các bạn học sinh nhỏ tuổi; những sản phẩm MV ca nhạc hướng tới giới trẻ, cộng đồng; hay phối hợp với các hãng phim truyện, lồng ghép các thông điệp bảo vệ môi trường qua hành động của các nhân vật, diễn viên trong phim điện ảnh… Điều đó có thể thấy được rằng vai trò, trách nhiệm và những nỗ lực truyền thông, tuyên truyền về hoạt động chống rác thải nhựa đang được cộng đồng và toàn xã hội hưởng ứng tích cực, thể hiện trong từng hành động thực tế, đơn giản, hàng ngày nhưng đem lại ý nghĩa và hiệu quả cao.
Đại diện Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường và Nestlé MILO trao tặng thùng rác và trụ bóng rổ tái chế từ vỏ hộp sữa thân thiện môi trường
Tháng hành động “Nói không với rác thải nhựa dùng một lần” được phát động trong suốt tháng 11 với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp và sự hưởng ứng của 1500 trường học. Ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa cũng như tác động của chương trình?
Chương trình Tháng hành động “Nói không với nhựa dùng một lần” được phát động tới các trường học trên toàn quốc. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài dự thi, hình ảnh, hoạt động hưởng ứng gửi về. Chương trình hiện tại tuy chưa kết thúc nhưng đã thu hút sự tham gia của các thầy cô, phụ huynh và học sinh trên khắp cả nước với chuỗi hoạt động trực tuyến thú vị và những sản phẩm hữu ích, thiết thực do tự tay các bạn học sinh thực hiện.
Chúng tôi nhận thấy rằng công tác giáo dục vô cùng quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường, cũng như các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, chương trình cũng khuyến khích xây dựng thói quen tiêu dùng xanh và tái chế đồ dùng cho các em học sinh, góp phần tạo nên một Việt Nam năng động và xanh.
Thông qua các chương trình giáo dục và cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn từng bước giáo dục thói quen, lối sống xanh tại các trường học, xây dựng nhận thức và định hướng các em học sinh giảm thiểu, hạn chế, từ chối đồ nhựa sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, mang bình đựng nước cá nhân, sử dụng ống hút inox, ống hút giấy…
“Hơn 25 năm đồng hành cùng các thế hệ trẻ em và học sinh Việt Nam, Nestlé MILO trăn trở với sứ mệnh tạo ra những sân chơi năng động và xanh để trẻ được thỏa sức vận động và phát triển toàn diện. Với quy mô diễn ra tại 1.500 trường học trên cả nước, Tháng hành động “Nói không với rác thải nhựa dùng một lần” đã truyền cảm hứng về sự thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng. Những hành động dù nhỏ nhưng thiết thực của hôm nay sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực lớn trong tương lai, nếu tất cả chúng ta cùng chung tay hành động vì môi trường.” Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt |
Để thêm sự mang tính khích lệ, động viên tinh thần các em học sinh hưởng ứng tham dự chương trình, Ban tổ chức có những giải thưởng, phần quà dành cho các trường học có nhiều hoạt động, hưởng ứng tích cực nhất chương trình. Ngoài ra, còn có các giải thưởng cá nhân cho các em học sinh, hỗ trợ trong công tác truyền thông và xem xét tài trợ cho những sản phẩm hữu ích thiết thực có thể thương mại hoá sản phẩm.
Chương trình lần này, chúng tôi cũng đã phối hợp với nhiều các đơn vị, tổ chức và đặc biệt là nhãn hàng Nestlé-Milo Việt Nam, đơn vị tiên phong trong nhiều các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong chính các sản phẩm của mình. Chúng tôi mong muốn rằng, để thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhự và phấn đấu đạt được các mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra chúng ta cần phải có sự chung tay, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và không thể thiếu được đó là sự hưởng ứng cũng như nỗ lực thực hiện, chuyển đổi, thay thế của các doanh nghiệp và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của cộng đồng, xã hội.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI