09:35:39 | 16/12/2021
Những năm qua, với nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan liên quan và nhiều doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã đã trở nên gần gũi hơn rất nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Vietnam Business Forum trân trọng giới thiệu một số ý kiến liên quan đến vấn đề này.
Kinh tế tuần hoàn mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quang Vinh Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD
Kinh tế tuần hoàn đem đến một góc nhìn mới về việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn; đồng thời không ngừng nhắc nhở người dân sử dụng các nguồn lực hữu hạn như nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với cách thức truyền thống hiện tại.Theo nghiên cứu năm 2019 của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD), việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tạo ra ít nhất 7.7 nghìn tỷ đô la cơ hội thị trường vào năm 2030 cho doanh nghiệp và hơn 380 triệu cơ hội việc làm mới, đồng thời duy trì đà tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.
Xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và được đưa vào bộ luật môi trường năm 2020. Đây là nỗ lực thực hiện xây dựng hành lang pháp lý, khung thể chế để thúc đẩy áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn đã được VBCSD/VCCI đưa vào các chương trình hoạt động từ năm 2016. Từ năm 2017, VBCSD/VCCI đã đưa nội dung này vào chương trình thảo luận tại các diễn đàn, hội nghị về phát triển bền vững do VBCSD/VCCI tổ chức thường niên, qua đó giúp nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, chia sẻ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn. Tháng 1/2018, VBCSD/VCCI đã chính thức triển khai “Sáng kiến Hỗ trợ Doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Đây là nỗ lực nhằm đi tiên phong trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng một nền kinh tế phi phát thải.
Năm 2020, VBCSD/VCCI đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai Mô hình kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó, VBCSD/VCCI cũng đang tích cực phối hợp với các hội viên, các đối tác trong nước, quốc tế thực hiện các dự án, sáng kiến như: Sáng kiến “không xả thải vào thiên nhiên” nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn; sáng kiến “xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp”; triển khai các nghiên cứu về sự sẵn sàng tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy và nhựa; tập huấn cho doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông về mô hình kinh tế tuần hoàn...
Vừa qua, tháng 10 năm 2021, VBCSD đã công bố báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng và tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống không cồn. Nghiên cứu được thực hiện trên 100 doanh nghiệp vừa và lớn thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến nguyên liệu và sản phẩm của 9 nhóm sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn. Kết quả nghiên cứu cho thấy 90% doanh nghiệp được khảo sát đã có các hoạt động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ở các mức độ khác nhau, tập trung ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, sử dụng bao bì.
Xây dựng tương lai không rác thải
Ông Binu Jacob, tổng giám đốc công ty Nestle Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD
Là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về thực phẩm và đồ uống, Nestlé đã xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải CO2 theo từng giai đoạn, tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) CO2 vào 2050 trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng của công ty.
Thực hiện cam kết“Đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng”. Đây là cam kết đi cùng với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải” nhằm hiện thực hóa mục tiêu Xây dựng và định hình một tương lai không rác thải.
Dự kiến đến giữa năm 2022 toàn bộ 100% sản phẩm uống liền của sẽ Nestlé chuyển sang sử dụng ống hút thân thiện với môi trường. Sáng kiến này của công ty góp phần giảm thiểu gần 700 tấn rác thải nhựa dùng trong sản xuất mỗi năm.
Các nhãn hàng khác của Nestlé như Nescafé cũng đang hướng đến sử dụng bao bì đơn, giúp việc tái chế sau sử dụng dễ dàng cho tái chế hơn so với bao bì đa lớp. Công ty La Vie, một thành viên của Tập đoàn Nestlé, cũng ra mắt dòng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai nhựa tái chế (rPET).
Không chỉ đi đầu trong công tác nghiên cứu và phát triển bao bì bền vững, Nestlé còn tích cực hợp tác với chính phủ và các doanh nghiệp đối tác để tăng cường nỗ lực chống rác thải nhựa. Năm 2021, Nestlé Milo đã đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để phát động chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa" kêu gọi 98 triệu người dân Việt Nam chung tay hành động để chống rác thải nhựa.
Nestlé Việt Nam và La Vie đã chung tay với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đồng sáng lập nên Tổ chức Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn để biến rác thải thành tài nguyên thay vì thải ra môi trường. Nestlé cũng là thành viên tích cực của Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP) và Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP).
Nhờ áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất tại các nhà máy, công ty không chỉ giảm được chất thải rắn, rác thải nhựa ra môi trường, mà còn góp phần giảm thiểu 22,600 tấn CO2 phát thải mỗi năm. Năng lượng sinh khối giúp thay thế 73% nguồn nhiên liệu làm chất đốt để vận hành lò hơi của nhà máy trong khi đó 100% chất thải sau khi sản xuất cà phê được tái sử dụng làm năng lượng sinh khối.
Nestlé cũng tích cực tái chế và tái sử dụng chất thải, bao gồm tái chế và tái sử dụng vỏ hộp sản phẩm sữa. Công ty đã thay đổi bao bì chứa nguyên liệu từ loại 25kg sang 250kg góp phần giảm 34 tấn nhựa/năm; dùng túi chứa đường bao bì lớn loại 1 tấn giúp giảm 31 tấn nhựa/năm hay thay màn quấn hàng hóa từ chất liệu nhựa bằng chất liệu canvas. Nhờ những nỗ lực này, Nestlé đã giảm đáng kể lượng nhựa dùng trong sản xuất.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn từ khâu sản xuất
Ông Phạm Hùng Anh Tuấn - Giám đốc Điều hành, BAT khu vực Đông Á (Head of Operations, BAT East Asia Cluster)
Trong chiến lược phát triển bền vững, ngành thuốc lá đã có nhiều ứng dụng và giải pháp để vừa giải quyết vấn đề giảm thiểu tác hại của sản phẩm đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm lượng khí phát thải ra môi trường. Riêng BAT rất quan tâm tới bảo tồn sự đa dạng sinh học, tiết kiệm nước tưới, bảo vệ rừng, cam kết không sử dụng củi rừng tự nhiên, cải thiện độ phì nhiêu của đất, quản lý năng lượng, giảm ô nhiễm nguồn nước tại các vùng trồng lá của Công ty. Ngoài ra, BAT cũng tìm cách nâng cao nhận thức của người nông dân qua việc triển khai những mô hình sản xuất tiên tiến, huấn luyện, đào tạo trực quan và phù hợp theo điều kiện tự nhiên, văn hóa vùng miền.
Nhà máy liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba tại Biên Hòa (Đồng Nai) cũng triển khai một loạt các sáng kiến như mô hình tiết giảm sử dụng nước, tái sử dụng nước. Các chất thải từ nhà bếp, lá cây, bụi thuốc lá, bùn thải.. được tái sử dụng để chế tạo phân bón.
Trong hoạt động kinh doanh, chúng tôi hướng chú ý đến giảm phát thải khí carbon như hệ thống điện mặt trời áp mái, chuyển đổi lò hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang nguyên liệu sinh khối…
Tại Việt Nam, hơn 15 năm phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá, BAT đã có những vùng trồng phát triển ổn định, cho thu nhập luôn cao hơn 30% định mức đầu tư và trên 90% nông dân gắn bó với Công ty từ những ngày đầu thành lập. Đến nay, các nhà máy của BAT tại Việt Nam đã hoàn toàn chuyển qua sử dụng sinh khối trong các lò hơi đốt, góp phần giúp tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của BAT tại Việt Nam đến hết quý 3/2021 là 26%, gấp đôi so với kế hoạch đề ra cho 2021. 100% hệ thống đèn chiếu sáng tại các nhà máy đã chuyển qua sử dụng đèn LED, tiết kiệm hơn 40% năng lượng chiếu sáng so với sử dụng bóng đèn thông thường.
Những ứng dụng hiệu quả về phát triển bền vững giúp BAT trên quy mô toàn cầu liên tiếp được công nhận trên bảng chỉ số phát triển bền vững Dow Jones và liên tiếp được Financial Times công nhận là Diversity Leader.
Tương lai đến năm 2025, BAT toàn cầu đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhựa sử dụng một lần không cần thiết trong bao bì, đạt tỉ lệ tái chế trung bình 30% cho toàn bộ bao bì nhựa; toàn bộ 100% sản phẩm bảo bì nhựa có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tự phân hủy, thân thiện với môi trường. 100% các nhà máy BAT sẽ không có rác thải chôn lấp và 95% lượng rác thải sẽ được tái chế.
Nguồn: Vietnam Business Forum
9h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI