12:11:31 | 11/1/2022
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đến nay vẫn chưa có nền tảng hay đà nào để phục hồi kinh tế, trong khi các gói kích thích mới chỉ đang bàn, mà dư địa thời gian lại không còn nhiều để thực hiện.
Mất đà phục hồi
Khi đánh giá tổng quan về nền kinh tế của Việt Nam năm 2021 và đưa ra các dự báo cho năm 2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, năm vừa qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi theo hình chữ U và hình thành đáy, ngược với xu thế phục hồi của các nước trên thế giới là hình chữ V.
Vẫn có nhiều doanh nghiệp nói rằng không biết làm cách nào để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ và liệu họ có phải là đối tượng được tiếp cận hay không (ảnh minh hoạ)
Nếu nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê, sẽ còn khiến mọi người ngạc nhiên hơn nữa, ví dụ như trong số 2,58% tăng trưởng GDP, có tới 0,5% là do ngành y tế tạo ra và xấp xỉ mức đó đến từ ngành giáo dục. Đây cũng là những vấn đề đáng phân vân, để khi nghiên cứu lại toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho thấy, mức tăng trưởng thực sự còn thấp hơn nhiều, nếu loại bỏ hai ngành này đi.
Theo vị chuyên gia, đối với việc kinh tế Việt Nam phục hồi quá chậm trong xu thế phục hồi chung toàn cầu, có một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, Việt Nam chậm trễ trong chương trình vaccine để có thể mở cửa sớm hơn. Điều này cũng không thể trách Chính phủ mở cửa chậm, mà phải trách vaccine đã về chậm. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã làm việc cật lực để đạt được một bước tiến dài trong việc tiêm phủ vaccine, giúp mở ra cơ hội mở cửa nền kinh tế và sống chung với đại dịch. Điều đó cũng tạo ra cơ hội cho GDP quý 4/2021 tăng trưởng nhanh hơn, nếu không tình hình còn xấu hơn nữa.
Thứ hai, là có những vấn đề lớn về cơ cấu kinh tế, ngay cả khi COVID-19 tác động không mạnh lắm, dẫn đến những chuyện như đầu tư công chậm trễ, thương mại của doanh nghiệp nội địa thâm hụt quá lớn, thêm vào đó, xuất nhập khẩu đóng góp vào phần trăm tăng trưởng GDP có 4 tỷ USD, thặng dư thương mại chủ yếu là do FDI và nông nghiệp tạo ra, còn công nghiệp và công nghiệp chế biến thì thâm hụt là chính.
“Như vậy, có rất nhiều vấn đề về cơ sở pháp lý, năng lực thể chế cần phải tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn nữa, chứ không chỉ đơn giản là đối đầu với COVID-19. Còn nhìn từ phía những khía cạnh khác của kinh tế vĩ mô, như lạm phát, mặc dù năm 2021, toàn cầu lạm phát khá cao, đâu đó khoảng 5-6% (chưa có con số chính thức) nhưng Việt Nam chúng ta lạm phát rất thấp, chỉ khoảng 1,8%. Vì thế mức độ ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu vào Việt Nam rất ít, một phần là do quay trở lại bằng con đường xuất khẩu.
Đồng thời, Việt Nam cũng không có một biện pháp kích thích kinh tế đáng kể nào trong suốt hai năm dịch bệnh, không có gói kích thích nào bằng “tiền tươi thóc thật” đủ để tạo ra hiệu ứng về cầu, cho nên lạm phát cầu - kéo gần như không có gì. Tỷ lệ lạm phát cơ bản cũng rất thấp, điều đó cũng nói lên rằng, chúng ta không có đà để phục hồi nhanh, vì không có lượng cầu tích tụ như các nước đã làm”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Còn theo đánh giá của TS. Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Rosa Bonita, năm vừa qua doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì làm ra các sản phẩm cho người dân tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe, nhưng thu nhập của người dân giảm sút, sức mua giảm trông thấy, vì vậy, các dự đoán về dòng tiền, cũng như sức bán của doanh nghiệp giảm chỉ bằng ½, thậm chí có những thời điểm chỉ bằng ¼ so với cùng kỳ năm trước đó.
Đến nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp nói rằng không biết làm cách nào để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ và liệu họ có phải là đối tượng được tiếp cận hay không. Vì thế, những con số về vĩ mô nghe vẫn ổn, nhưng nếu xét sâu hơn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì bức tranh còn ảm đạm hơn rất nhiều.
Hiện nay vẫn chưa có nền tảng hay đà nào để phục hồi, trong khi các gói kích thích kinh tế mới chỉ đang bàn, mà dư địa thời gian lại không còn nhiều để thực hiện (ảnh minh hoạ)
“Nếu chúng ta duy trì được tăng trưởng GDP tăng, duy trì được xuất khẩu, thì chủ yếu phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp FDI, hoặc các doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị từ trước, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào biến động từng ngày trên thị trường.
Cho nên, trong một khoảng thời gian rất dài, các doanh nghiệp đã phải mang lương khô ra ăn để sống. Và điều đáng tiếc là khi có vaccine về, lại rơi vào thời điểm cuối năm, dù có thể khôi phục lại một số hoạt động như ăn uống, dịch vụ, nhà hàng, thương mại trong nước, giáo dục,... nhưng khi đó ngân sách của các công ty cũng đã đóng rồi, không mang ra để chi dùng cho các hoạt động đó nữa. Vì thế, với hệ lụy từ năm 2021 có thể sẽ mang lại sự khó khăn cho các doanh nghiệp ít nhất là đến sáu tháng tiếp theo của năm 2022”, ông Dũng dự báo.
Về vấn đề này, TS, Lê Xuân Nghĩa cũng đưa ra một số dự báo cho năm 2022 của nền kinh tế. Theo vị chuyên gia, chúng ta chưa thể nói một cách chắc chắn nếu đi từ kinh tế vĩ mô, năm 2022, tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn, vì kinh tế đang ở mức rất thấp, nhưng nó sẽ không cao như kế hoạch của Chính phủ, mà đâu đó chỉ khoảng 5-5,5%.Vì tới nay vẫn chưa có nền tảng hay đà nào để phục hồi, trong khi các gói kích thích kinh tế mới chỉ đang bàn, mà dư địa thời gian lại không còn nhiều để thực hiện.
“Sợ rằng sau khi bàn xong, thiết kế xong chính sách sẽ phải mất khoảng ba tháng, cùng với năng lực thể chế của Việt Nam, thì có khi phải mất hết nửa đầu năm mới có thể triển khai thực hiện. Chưa kể hiệu ứng thực sự và sức hút của nền kinh tế còn nhiều vấn đề, vì chúng ta đang có những căn bệnh về cấu trúc kinh tế thực sự”, vị TS trăn trở.
Liên quan đến câu chuyện dự báo lạm phát trong năm nay 2022, vị chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ không cao, đâu đó khoảng 3% và có thể lạm phát toàn cầu cũng đang dịu xuống khoảng 3,4-3,5%. Đồng thời trong năm ngoái, Việt Nam không cung nhiều tiền, nên năm 2022 cũng không có hiệu ứng cung tiền, dẫn đến lạm phát cầu kéo là không có, mà chỉ có lạm phát về chi phí đẩy, như giá nhiên liệu, năng lượng, thức ăn gia súc,... tăng lên. Do đó, lạm phát không phải điều đáng lo ngại như một số nhà hoạch định chính sách lo ngại.
Nguồn: DDDN
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI