09:53:05 | 13/1/2022
Chia sẻ về những dự báo và kỳ vọng cho nền kinh tế năm 2022, TS. Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Rosa Bonita cho biết, hiện nay, mặc dù Chính phủ ngày càng có nhìn nhận và hành động phù hợp với xu thế, cũng như diễn biến của dịch COVID-19 theo chiều hướng có thể được kiểm soát dần dần, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán hoặc vấn đề về tài chính trong các ngân hàng sẽ vẫn tiếp diễn đà của năm 2021, với mức độ thấp hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chính phủ sẽ có hành động cụ thể, thiết thực hơn, để các doanh nghiệp muốn quay trở lại thị trường phát triển có thể có lực đỡ một cách hiệu quả (ảnh minh hoạ)
Cụ thể, bất động sản vẫn có thể lên giá, nhưng sẽ tùy dự án, tùy địa phương chứ không phải tăng giá rầm rộ như trong năm vừa qua. Còn thị trường chứng khoán cũng tăng, nhưng không ở mức độ vô lý, khi các doanh nghiệp không có nguồn lực nội tại mà vẫn có thị giá cao, hay ở góc độ nợ xấu cũng tương tự, nhưng sẽ có sự kiểm soát nhất định.
“Theo tôi, đến hết 6 tháng đầu năm 2022, những người nào kiếm tiền được từ bất động sản thì cũng sẽ dừng lại, hay những người đã kiếm tiền được từ thiện thị trường chứng khoán cũng thấy sợ và sẽ điều chỉnh danh mục đầu tư và dòng tiền, để quay trở về đầu tư cho các lĩnh vực khác trong sản xuất kinh doanh.
Trong khoảng thời gian này, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự rút lui khỏi thị trường của rất nhiều doanh nghiệp, nhưng đồng thời sẽ có rất nhiều doanh nghiệp mới xuất hiện, ở các lĩnh vực họ cảm thấy đúng xu thế, thay vì quay trở về lối mòn. Đồng thời phải lựa chọn, cân nhắc lĩnh vực đầu tư, phương pháp để vận hành theo các hướng mới như chuyển đổi số và thương mại điện tử nhiều hơn”, ông Dũng dự báo.
Vị doanh nhân kỳ vọng, trong 6 tháng đầu năm 2022, Chính phủ sẽ có hành động cụ thể, thiết thực hơn, để các doanh nghiệp muốn quay trở lại thị trường phát triển có thể có lực đỡ một cách hiệu quả. Đây sẽ là một năm không có những biến động quá mạnh mẽ và đúng nghĩa là chúng ta phục hồi, để chuẩn bị tiền đề cho phát triển của năm 2023.
“Trong Hội nghị Tổng kết doanh nghiệp năm 2021 mở ra năm 2022 của mình, chúng tôi đã lấy chủ đề là “Hừng Đông” để biểu thị dù chưa sáng rõ, nhưng sẽ là một sự khởi sắc và hy vọng mới cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung”, Chủ tịch Rosa Bonita chia sẻ.
Cũng trong chủ đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ hình thành bong bóng trên thị trường bất động sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nợ xấu của khối ngân hàng. Đặc biệt là với sự tăng nóng của thị trường chứng khoán, khi các nhà đầu tư F0 tham gia ồ ạt. Vị chuyên gia cũng đề nghị với các cơ quan quản lý phải có biện pháp cụ thể hơn nữa, nhằm cảnh báo cho thị trường, giữ vững thị trường, tránh những cú sốc lớn khi đám đông rút vốn hàng loạt.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất chiều 11/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023; Riêng đối với chính sách tài khóa quy định tại các điểm 1.2 và 1.3 khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023.
Để nền kinh tế năm 2022 đạt được như kỳ vọng của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng đã nhấn mạnh đến vai trò của từng chính sách tài khóa và tiền tệ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022-2023.
Gói giải pháp tài khóa - tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình đang được toàn dân, toàn nền kinh tế mong đợi và dõi theo (ảnh minh hoạ)
Vị Đại biểu đồng tình quan điểm rằng, trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ còn khá hạn hẹp và dư địa tài khóa được củng cố trong những năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, nhưng áp lực lạm phát và nợ xấu gia tăng, thì vai trò của chính sách tài khoá cần trở thành chủ lực, còn chính sách tiền tệ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ.
Về thời gian, thời lượng và nhịp độ thực hiện của gói hỗ trợ sau khi được thông qua, cần triển khai khẩn trương ngay trước tết Âm lịch và chỉ kéo dài tối đa 2 năm, kết thúc chính xác vào ngày 31/12/2023, trong đó tập trung cho năm 2022 để kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế, sang năm 2023 nhiệm vụ chính chỉ là duy trì, củng cố các động lực phát triển.
Đây là nhiệm vụ khá khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), xét trong bối cảnh áp lực lạm phát trên thế giới đang tiếp tục gia tăng, dự báo đạt đỉnh vào đầu 2022 và duy trì cao hơn giai đoạn trước COVID-19 cho tới cuối 2023, là lý do chính khiến xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ, đang trở nên hiện hữu.
Ở trong nước, áp lực tăng giá đầu vào liên tục và kéo dài tạo rủi ro lạm phát cao cho nền kinh tế khi nhu cầu hồi phục mạnh. Song hành cùng nhiều gói cứu trợ, hỗ trợ được triển khai trong suốt 2 năm 2020 - 2021, xu hướng tăng giá liên tục của các tài sản tài chính và bất động sản trong thời gian qua, cũng sẽ góp phần làm tăng áp lực lạm phát trong năm 2022. Điều này đòi hỏi NHNN phải cẩn trọng hơn trong hoạt động điều tiết cung tiền, đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc “trung hòa” dòng tiền Kho bạc Nhà nước mỗi khi chúng được giải ngân mạnh vào nền kinh tế, hoặc khi được hút mạnh về từ nền kinh tế.
“Sự phối hợp chính sách cần được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng giá tốt thông qua cơ chế cấp bù lãi suất cho vay qua ngân hàng thương mại của Chính phủ, cũng như triển khai các gói cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, bắc cầu qua tổ chức tín dụng, để gián tiếp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chọn lọc. NHNN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thống nhất các nhóm đối tượng, phạm vi và điều kiện được miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đồng thời được cơ cấu lại nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, phí dịch vụ ngân hàng,… để các biện pháp hỗ trợ riêng lẻ được cộng hưởng đồng chiều nhằm đạt hiệu quả dự tính.
Đáng chú ý, sự phối hợp chính sách cũng cần được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ người dân thuộc diện được bảo trợ an sinh xã hội tiếp cận dòng vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Gói giải pháp tài khóa - tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình đang được toàn dân, toàn nền kinh tế mong đợi và dõi theo. Song song với đó, năng lực triển khai của các cấp, các ngành đối với từng cấu phần của gói hỗ trợ, tuân thủ tinh thần Nghị quyết, sẽ quyết định hiệu quả cuối cùng của chương trình”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng khẳng định.
Nguồn: DDDN
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI