Nông thôn mới thông minh: Xây dựng NTM theo chiều sâu trên nền tảng công nghệ số

09:33:11 | 14/1/2022

Chuyển đổi số là nội dung mới trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đây chính là giải pháp công nghệ trong xây dựng nông thôn mới  thông minh tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững của tiêu chí. Nông thôn thông minh sẽ bao gồm chính quyền thông minh, người dân thông minh, hành vi, ứng xử thông minh.

Chuyển đổi số là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình MTQG xây dựng NTM và xây dựng nông thôn mới hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh. Nhiều hoạt động ứng dụng chuyển đối số đang được ứng dụng trong chương trình nông thôn mới từ việc tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến đến tập huấn về OCOP, du lịch nông thôn, toạ đàm, diễn đàn, hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại được xây dựng dựa trên ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường….Dịch COVID 19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội của cả nước và nhiều người dân. Đại dịch covid đã thay đổi cách thức chúng ta hoạt động trong cuộc sống. Chuyển đổi số là yêu cầu, là bắt buộc trong cuộc sống ngày nay. Điện thoại thông minh ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế, xã hội. Nông thôn không thể ở lại phía sau trong cuộc cách mạng tri thức, cách mạng 4.0.

Mặc dù còn có nhiều cách hiểu khác nhau về nội hạm và cách thức ứng dụng công nghệ vào xây dựng nông thôn mới, hay áp dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Quy trình triển khai xây dựng làng thông minh. Chuyển đổi số cần được triển khai nhân rộng trong nhiều lĩnh vực hoạt động ở nông thôn từ kiểm soát ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, kiểm tra giám sát hoạt động đầu tư ở nông thôn, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với xây dựng nông thôn mới. Chuyển đối số sẽ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn. Bộ chỉ tiêu về làng nông thôn mới thông minh sẽ được xây dựng là cơ sở để triển khai trong giai đoạn sau năm 2025.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng – Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng là chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) suốt 10 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM. Xác định vấn đề này, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã đẩy mạnh triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025” nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, cải thiện phương thức, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đề án xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, bao gồm: Xây dựng chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số, và một Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Về kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện chuyển đổi số trong quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP; 70% đơn vị cấp xã và 60% đơn vị cấp huyện hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý trực tuyến về du lịch cộng đồng. Đối với xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, có 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 50% đơn vị cấp xã và 40% đơn vị cấp huyện hoàn thành hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về chính quyền địa phương.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã sớm có chủ trương thí điểm triển khai xây dựng mô hình "xã thông minh", thí điểm tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Ông Nguyễn Đình Đức- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế- cho biết, mô hình thí điểm đang ở những bước đầu tiên nhưng đã thể hiện được một số ưu việt của mô hình như: hỗ trợ được việc điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, dự báo về môi trường, chia sẻ dữ liệu quan trắc, giám sát các dữ liệu phục vụ cho nuôi trồng, sản xuất tại địa phương phục vụ cho việc quản lý, điều hành một cách khoa học và chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến: Làng/xã thông minh là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn.Tuy nhiên để có thể phát triển một mô hình toàn diện đòi hỏi nguồn lực con người, tài chính và thời gian chuyển biến, áp dụng, và thích nghi một cách phù hợp. Với thực tế nguồn lực tại Việt Nam trong thời gian trước mắt rất khó có thể phát triển một mô hình làng thông minh tổng thể mà phải thí điểm và triển khai các làng thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể. Các địa phương tùy vào điều kiện, nguồn lực và tiềm năng địa phương có thể chọn triển khai một hay nhiều hợp phần cụ thể gồm: Thể chế thông minh; nguồn lực thông minh; hạ tầng thông minh; dịch vụ thông minh; sản xuất kinh doanh thông minh

Về đề xuất các giải pháp cho làng/xã thông minh, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng làng/xã thông minh. Ông Tiến cho biết thêm.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)