06:28:17 | 26/1/2022
Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kép trên thế giới, đó là y tế và kinh tế. Đau đớn có, mệt mỏi có, khó khăn có, và rất nhiều chữ “có” không mong muốn khác. Chưa hết, gian nan, bất định, rủi ro vẫn còn ở phía trước. Với Việt Nam, cũng không là ngoại lệ. Nhưng trong bức tranh có nhiều dấu trừ, nhiều ảm đạm như vậy thì Việt Nam và nhiều nước trên thế giới vẫn bừng lên tinh thần lạc quan, cái nhìn tích cực về phía trước, thậm chí là là cả khát vọng đột phá phát triển.
Có nhiều lý do để chúng ta có được niềm tin đó khi năm 2022 bước đến. Đó là niềm tin về sự đoàn kết của chúng ta để đi qua được đại dịch, dù dịch vẫn diễn biến khó lường. Niềm tin đó được tạo ra từ việc cải thiện năng lực y tế, hiệu quả vắc xin, thuốc chữa cùng thái độ bình tĩnh hơn khi đối mặt “sống chung” với các biến thể virus SARS-CoV-2.
Theo quy luật thì rồi dịch cũng phải qua đi. Hay khi dịch được khống chế được cơ bản thì cuộc sống sẽ trở về bình thường, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, vui chơi, chiêm nghiệm cuộc sống không chỉ quay lại mà quay lại tích cực hơn.
Thực tế, kinh tế thế giới năm 2021 phục hồi mạnh mẽ sau suy thoái năm 2020, tăng trưởng tới 5,9%. Đà phục hồi đó được dự báo tiếp tục trong năm 2022 dù sẽ chững lại ít nhiều. Nguyên do là “nền” so sánh đã cao trong năm 2021 và cũng do chính sách tiền tệ và gói hỗ trợ kinh tế - xã hội của nhiều nước, nhất là các nước phát triển, có thể sẽ phải dần kìm lại, dần “thắt lại” trước lạm phát tăng cao cũng như các rủi ro tài chính khác... Nhưng quá trình phục hồi vẫn tiếp tục, và đây là điều tích cực.
Đại dịch càng làm chúng ta nhìn nhận lại về lối sống, cách sống, cách thức phát triển… Chúng ta cần lối sống, cách thức tiêu dùng xanh hơn, nhân văn hơn, an toàn hơn; chúng ta cần sự phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo. Sự chuyển đổi này đã và đang diễn ra, song sẽ tăng tốc nhờ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số.
Xử lý mối quan hệ quốc gia - quốc tế không đơn giản. Song điểm chung đồng thuận cao là bên cạnh điều tối quan trọng là lợi ích quốc gia, thì thế giới cần chung tay hợp tác và chỉ có như vậy mới xử lý được hiệu quả rất nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai,… chưa nói đến cú sốc khủng hoảng tài chính, kinh tế có thể xảy ra.
Với Việt Nam thì sao?
Hai năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong cả tiến trình Đổi mới; năm 2021, kinh tế Việt Nam lại lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Nhưng với việc chuyển hướng sang “sống chung an toàn” với dịch bệnh, những nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc cùng thực thi chương trình thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, cộng hưởng đà tăng trưởng tích cực của thế giới, đặc biệt là các đối tác của Việt Nam, rất nhiều dự báo đều cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng từ 6% đến 6,5%. Đằng sau con số đó chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, là việc làm, thu nhập tăng trở lại.
Chắc chắn sẽ có không ít trắc trở, thách thức phải đối mặt, song Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Đó là sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao. Đó là kinh nghiệm chống dịch, là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, là sự hấp dẫn thu hút đầu tư, sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế.
Vấn đề đặt ra là cần hành động quyết liệt, tốc độ, hiệu quả. Có nhiều bài học vừa qua ở đây. Việc thực thi các gói hỗ trợ được triển khai từ đầu năm 2020 cho thấy, có được nguồn lực tài chính đã khó, song để chúng đến được, đến đúng, đến kịp thời đối tượng cần hỗ trợ còn khó khăn hơn. Thiết kế chính sách (tiêu chí, quy trình hỗ trợ..), phối hợp chính sách, thời gian hiện thức hóa chính sách và giám sát là những khía cạnh cần tính đến đầy đủ để đảm bảo cho một gói/chương trình hỗ trợ thực sự có hiệu quả.
Khó khăn bộn bề trước mắt có thể làm chậm tiến trình cải cách. Song hành với nỗ lực vượt khó, cũng cần đẩy mạnh công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững cùng “bắt nhịp” với những xu hướng chung của thế giới. Chương trình thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế cũng sẽ nhắm vào cả những lĩnh vực như cải cách thể chế, hạ tấng, đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng người lao động,…
Thiết kế chính sách thích hợp, hành động quyết liệt, khôn khéo, quản trị rủi ro tốt sẽ được đền đáp bằng thành quả phát triển. Chúng ta có thể tự hào, song không thể tự mãn, hài lòng vì trên hành trình tiếp theo chúng ta còn phải học hỏi, phải sáng tạo để vượt qua nhiều chông gai, khó khăn trong một thế giới đầy biến động, cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít. Không gì khác là sự đồng lòng, chung tay tiến lên phía trước vì sự phát triển và hưng thịnh của đất nước, “bắt kịp” và “đi cùng” thời đại.
TS. Võ Trí Thành
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI