Ngày Tết: Nơi nguồn lực văn hoá, xã hội Việt Nam bắt đầu

23:56:08 | 31/1/2022

Không phải ngẫu nhiên ngày Tết được coi như ngày của gia đình bởi đây là dịp lễ tết văn hóa quan trọng nhất của các gia đình dân tộc Việt Nam. Năm 2021, một năm đầy khó khăn và biến động trên toàn thế giới do dịch bệnh Covid-19, đang bước vào những ngày cuối cùng. Mọi người đang rục rịch chào đón năm 2022 - năm Nhâm Dần với những hy vọng mới trong bối cảnh Đại hội XIII đã đề ra định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.”

Sức mạnh nội sinh bất diệt của văn hoá đối với dân tộc cũng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm khi nhắc đến câu nói của tiền bối: "văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".

Nói đến vai trò của con người và  hạnh phúc như là động lực phát triển, văn hoá thực dụng phương Tây cũng đề cao như cựu Thủ tướng Anh, ông David Cameron đã cho rằng: "Đã đến lúc chúng ta thừa nhận rằng có nhiều thứ trong cuộc sống hơn là chuyện tiền bạc, và đã đến lúc chúng ta phải tập trung không chỉ vào GDP mà còn vào cả GWB (General Wellbeing - hạnh phúc nói chung)".

Văn hoá là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội lịch sử để Việt Nam vươn lên, thực hiện khát vọng đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển vào năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực hiện được khát vọng đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển phù hợp nhằm huy động và phát triển năm nguồn lực, mà trong đó tài chính, cơ sở vật chất và tự nhiên là động lực chính, còn văn hoá xã hội và con người chính là nguồn lực nội sinh để phát triển.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh to lớn của đất nước, có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11-1946). Chính vì vậy, xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam tạo nguồn lực vốn xã hội nhằm phát triển bền vững đất nước là quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Con người trong quan điểm Hồ Chí Minh trước hết là gia đình. Do đó, hạnh phúc của con người trước hết là hạnh phúc của gia đình. Hạnh phúc thật sự của con người là ở gia đình - đây là điểm then chốt của giải phóng con người trong mọi hoạt động đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh. Hạnh phúc gia đình chính là đỉnh cao của văn hóa Việt, là hạt nhân của hệ giá trị văn hóa gia đình và là nội dung cốt lõi của xây dựng văn hóa gia đình trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó dịp lễ hội văn hoá lớn nhất của đất nước - Tết, dịp thể hiện sự đoàn tụ và hạnh phúc gia đình của chúng ta phải là nơi khởi nguồn và bắt đầu sự kết nối chặt chẽ nhất của con người để hình thành các nguồn lực hoặc vốn xã hội.

Thuật ngữ vốn xã hội đề cập đến một sản phẩm tích cực của sự tương tác giữa con người với nhau. Kết quả tích cực có thể hữu hình hoặc vô hình và có thể bao gồm thông tin hữu ích, ý tưởng đổi mới và cơ hội trong tương lai. Có thể nói, vốn xã hội là một tập hợp các giá trị được chia sẻ cho phép các cá nhân sinh hoạt hoặc làm việc cùng nhau trong một nhóm để đạt được một mục đích chung một cách hiệu quả.

Nói một cách đơn giản, vốn xã hội mang lại lợi ích cho toàn xã hội thông qua các mối quan hệ xã hội như gia đình và các tổ chức kinh tế, dân sự ... Như vậy, nghiên cứu về vốn xã hội là hoạt động xuyên suốt các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Khái niệm vốn xã hội cũng thường được sử dụng để mô tả các mối quan hệ góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. Nó được cho là có giá trị như vốn tài chính hoặc vốn con người. Mạng và việc sử dụng internet là những ví dụ điển hình về cách vốn xã hội hoạt động theo nghĩa kinh doanh. Những điều này cho phép hình thành các kết nối xã hội - và thường là toàn cầu - theo nhiều cách khác nhau. Nhiều công việc được thực hiện hiệu quả thông qua mạng không chính thức hơn là thông qua các cách thức truyền thống

Huy động và phát triển nguồn lực văn hoá xã hội

Trong các nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại, thuật ngữ “vốn xã hội” đề cập đến sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, các giá trị được chia sẻ và kiến ​​thức xã hội nắm giữ để tạo điều kiện cho sự phối hợp xã hội của các hoạt động kinh tế. Các nghiên cứu cho thấy rằng các quy tắc có đi có lại mạnh mẽ khiến mọi người tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau, và mạng lưới tham gia dày đặc của người dân khuyến khích mọi người tham gia vào các nỗ lực cùng có lợi thay vì chỉ tìm cách đạt được lợi thế cá nhân bằng việc hy sinh quyền lợi của người khác. Do đó, các chuẩn mực và mạng lưới như vậy thường được coi là cơ sở căn bản trong việc huy động và phát triển vốn xã hội.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy có hai dạng vốn xã hội cơ bản. Vốn xã hội trước hết là những liên kết được tạo ra trong một nhóm có lợi ích và mục tiêu chung. Hiệp hội ngành nghề là một ví dụ điển hình về cách thức hoạt động của liên kết. Mặt khác, bắc cầu là dạng vốn xã hội thứ hai tạo ra liên kết giữa các nhóm. Khi cầu nối thành công, các cá nhân trong hai nhóm khám phá ra những sở thích và mục tiêu chung và làm việc cùng nhau để đạt được chúng. Liên kết doanh nghiệp và chính quyền địa phương  là một ví dụ về cách hoạt động của cầu nối.

Internet đã cách mạng hóa vốn xã hội, tạo ra một cách hiệu quả vô số kết nối xã hội phù hợp với vốn xã hội nào. Phương tiện truyền thông xã hội và các sàn kinh doanh mạng như Facebook, Amazon, Airbnb, Uber và eBay có thể sử dụng công cụ kết nối mạng của mình để có thông tin về các các nhân và nhóm xã hội đề liên kết phục cho việc nâng cao vốn xã hội của mình qua đó tăng cường hiệu quả kinh doanh cũng như  khả năng cạnh của mình…

Tuy nhiên,  mặc dù nhiều người tin rằng sự thành công của một tổ chức - cho dù đó là toàn thể xã hội hay một nhóm cụ thể - phụ thuộc vào mức độ vốn xã hội. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng vì  vốn xã hội có thể được sử dụng cho các mục đích lôi kéo hoặc phá hoại.

Để phát huy và phát triển vốn xã hội (trong đó có văn hoá) đảm bảo sự bền vững đất nước cần tập trung vào ba giải pháp sau:

Một là, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và tuyên truyền trong các thành phần kinh tế xã hội: văn hóa là một nguồn lực sản xuất đặc thù. Lịch sử cho thấy, sự phát triển của đất nước về mọi mặt, kể cả kinh tế, chính trị và con người, xét đến cùng, nếu muốn tiến xa, nếu muốn ngày càng trở nên bền vững hơn thì đều phải nằm trong quỹ đạo của văn hóa và phải có văn hóa dẫn đường, như luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra năm 1946. Trong quá trình đó văn hoá ngày Tết, truyền thống gia đình… là điểm then chốt trong việc bảo tồn và phát huy nguồn lực văn hoá xã hội

Hai là, đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển văn hoá xã hội: phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực mới của nền kinh tế. Bên cạnh việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, phát huy được “sức mạnh mềm” cũng là một nội dung quan trọng. Trong đó các gia đình Việt Nam và các tổ chức kinh tế xã hội …là những mắt xích bền vững trong nền công nghiệp văn hoá. Thực tiễn cũng cho thấy, nhiều quốc gia đã phát triển công nghiệp văn hóa thành công, trở thành một động lực của nền kinh tế như trường hợp của Anh quốc, Hoa Kỳ, Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Ba là, bảo tồn, khai thác và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa: văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam: tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Phát triển văn hóa cần tiếp tục được đổi mới, hiệu quả hơn, đi vào cuộc sống hơn; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Ngoài ra, trong một thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng với sự xuất hiện của công nghệ số, cần nghiên cứu và sử dụng mạng xã hội như một công cụ mạnh để bảo tồn và phát triển văn hoá xã hội bên cạnh các biện pháp hạn chế tiêu cực của nó. Có như vậy, văn hóa mới được bảo tồn và phát triển để thực sự trở thành không chỉ là nền tảng tinh thần của một xã hội lành mạnh, giàu tính nhân văn  mà còn trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội bền vững đem lại sự hạnh phúc, thịnh vượng và trường tồn của dân tộc

Với việc nâng cao nhận thức và thống nhất các giải pháp chung nhằm phát huy sức mạnh của văn hoá xã hội , chúng ta tin tưởng rằng Tết Nhâm Dần sắp tới là năm con hổ thể hiện sức mạnh và ý chí mạnh mẽ, đồng thời cũng là năm bản lề thứ hai thực hiện Văn kiện Đại hội Đảng XIII, sẽ là một sự khởi nguồn mới của nguồn lực xã hội bắt nguồn từ cái nôi hạnh phúc gia đình Việt để góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước nhằm đưa Việt Nam đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Ts. Đoàn Duy Khương
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN - Việt Nam ((ASEAN BAC Vietnam)

Nguồn: Vietnam Business Forum