Du lịch Việt Nam: Thích ứng an toàn, hấp dẫn

11:50:57 | 17/1/2022

Hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, nguồn lực suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với lộ trình hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam đặt quyết tâm phục hồi trong năm 2022 với tinh thần thích ứng an toàn, hấp dẫn.

Nỗ lực “vượt bão” Covid-19

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 ước đạt khoảng 3.500 lượt khách; lượng khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp lữ hành giảm mạnh còn 2.964 doanh nghiệp, trong đó có 2.111 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 853 doanh nghiệp lữ hành nội địa.


Nỗ lực mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách

Dù rất khó khăn, song trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, năm qua ngành du lịch đã chủ động, kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền, cộng đồng doanh nghiệp chủ động vượt khó. Cụ thể như: Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động kịp thời; tăng cường thực hiện các chính sách kích cầu, khôi phục du lịch nội địa; phối hợp tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt; các điểm đến, doanh nghiệp du lịch và hàng không “bắt tay” xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, nhiều ưu đãi. Nhờ đó, du lịch nội địa đã bắt đầu “hồi sinh” vào cuối năm 2021. Đặc biệt, sau gần 2 năm hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ, Việt Nam đã đón những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Du lịch nội địa vẫn là ưu tiên trước nhất

Theo Tổng cục Du lịch, trải qua các đợt dịch liên tiếp, các doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng rất khó khăn, khó có thể duy trì hoạt động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Theo các chuyên gia, phải ít nhất 5 năm nữa ngành du lịch Việt Nam mới có thể quay lại thời điểm tăng trưởng của năm 2019.

Để ngành du lịch phục hồi, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - cho rằng, ưu tiên số một là cần duy trì khả năng tồn tại với việc tăng cường kiểm soát chi phí, đàm phán với các đối tác, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để đa dạng nguồn thu, tìm hiểu mô hình kinh doanh du lịch mới. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Vũ Thế Bình - khuyến nghị, Việt Nam cần phải đổi mới công tác xúc tiến du lịch, trước hết, cần ứng dụng mạnh mẽ maketing số, số hóa các tài nguyên du lịch. Còn từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà – CEO Lux Group - cho rằng, chính sách quản lý du lịch cần thống nhất mới tạo đòn bẩy cho toàn ngành phục hồi thuận lợi.

Trong kế hoạch phục hồi du lịch năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã khẳng định, du lịch nội địa vẫn sẽ là ưu tiên trước nhất, tiếp đó mới tiến tới mở cửa thị trường quốc tế. Theo đó, tới đây toàn ngành du lịch sẽ hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi; hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch có cơ hội phục hồi và phát triển; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới; phát triển du lịch thông minh, xây dựng các sản phẩm “du lịch không chạm”; xúc tiến quảng bá du lịch hướng tới các thị trường mục tiêu.

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: congthuong.vn