10:29:53 | 10/3/2022
Sở hữu tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú, tỉnh Long An giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL. Phát huy lợi thế này, những năm qua ngành công nghiệp không khói Long An đã có những bước tiến mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20%/năm. Con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy việc tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng là hướng đi đúng đắn, hoàn toàn phù hợp trong tiến trình phát triển kinh tế những năm tiếp theo. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thấy rõ hơn những đổi thay từ trong diện mạo du lịch Long An. Công Luận thực hiện.
Thưa ông, trong giai đoạn 2016 - 2020, du lịch Long An đã có sự hoàn thiện và chuyển mình mạnh mẽ ra sao?
Giai đoạn 2016 - 2020, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng có sức hút lớn đối với du khách; nhờ vậy mà doanh thu du lịch của tỉnh có sự gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2016, tổng các nguồn thu từ hoạt động du lịch chỉ đạt 410 tỷ đồng, lượt khách đạt 910.000 lượt thì đến năm 2019, doanh thu tăng lên hơn 782 tỷ đồng, lượt khách đạt 1.835.000 lượt. Riêng 2 năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nên lượt khách và doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh có sự sụt giảm.
Với hướng đi mới, du lịch Long An đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20% năm, vươn lên trở thành một điểm hẹn du lịch của khu vực miền Tây Nam bộ. Thành công này là "quả ngọt" xứng đáng cho những nỗ lực đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng - dịch vụ du lịch, đáp ứng hiệu quả mọi nhu cầu của du khách. Đội ngũ nhân viên cũng từng bước được đào tạo về chuyên môn; hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống ngày càng hoàn thiện; nhiều khách sạn, nhà hàng đã được nâng cấp hoặc xây dựng mới có trang bị nội thất tốt; các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng có sức hút lớn đối với du khách. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cùng với các điểm du lịch sinh thái (Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, KDL sinh thái Làng nổi Tân Lập…) đã và đang được đầu tư để tạo ra điểm du lịch mới, là những điểm nhấn trọng tâm cho các tour du lịch. Ngoài ra còn phải kể đến nguồn vốn tư nhân hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho du lịch như: Khu phức hợp giải trí Happyland…
Công tác xúc tiến du lịch những năm qua tập trung giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, các dự án mời gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin; tham gia Festival, hội chợ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua tập huấn nghiệp vụ, dự hội nghị, hội thảo, khảo sát tour và tham gia các sự kiện du lịch nhằm quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Thực hiện chương trình liên kết hợp tác với du lịch Tp.HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang… nhằm trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, kết nối tour du lịch đến các tỉnh thành, làm phong phú điểm đến phục vụ du khách…Công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng đạt được kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch và đi vào hoạt động có nề nếp. Những kết quả trên chính là bước ngoặt tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới của du lịch Long An.
Từ khi có chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư, đến nay Long An đã thu hút được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư, tôn tạo các khu, điểm du lịch và đưa vào khai thác những hoạt động du lịch mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhiều khu du lịch mới đã được đầu tư xây dựng hòa vào mạng lưới các điểm du lịch đã có trong tỉnh nhằm đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm du lịch của tỉnh. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm để kích cầu xã hội hóa đầu tư du lịch; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch.
Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vấn đề xây dựng các điểm đến an toàn, hấp dẫn được ngành Du lịch chú trọng ra sao nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Long An trên cơ sở vẫn đảm bảo an toàn cho du khách và nhân dân?
Thời gian qua nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Long An đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo các khu/điểm du lịch và đưa vào khai thác các hoạt động du lịch mới. Nỗ lực này không chỉ giúp ngành công nghiệp không khói ngày một khởi sắc hơn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước mà còn góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa du lịch Long An từng bước vươn lên hội nhập với xu thế phát triển du lịch chung của vùng và du lịch của cả nước.
Trong danh sách những điểm đến ấn tượng nhất của du lịch Long An không thể không kể đến: Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập (được UBND tỉnh công nhận là KDL cấp tỉnh tại Quyết định số 656/QĐ-UBND); Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen; KDL Cánh đồng bất tận; Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland); Điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ; KDL sinh thái giáo dục trải nghiệm Chavi; Vườn Thú Mỹ Quỳnh; West Lakes Golf và Villass Long An...
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có nhiều khu di tích lịch sử văn hóa được du khách quan tâm (Điểm du lịch Đồn Rạch Cát; Khu Lâm viên Thanh niên; Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh; Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo; Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ; Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa; Khu tượng đài "Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc"…); nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng gần xa (làng trống Bình An, làng nghề dệt chiếu Long Cang…); nhiều lễ hội lịch sử văn hóa... góp phần hỗ trợ để phát triển du lịch.
Thời gian qua các khu/điểm du lịch được quan tâm đầu tư, tôn tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của tỉnh, trong đó có hoạt động du lịch. Công suất phòng của các cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; nhiều công ty lữ hành phải hủy tour đến những nơi là trung tâm của dịch bệnh; các khu/điểm du lịch trên địa bàn phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động; nhiều lễ hội đã dừng tổ chức và đón du khách; các hoạt động, kế hoạch phát triển thị trường của nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn, ngưng trệ dẫn đến việc làm của lao động ngành Du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề; nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên…Những khó khăn này đã ảnh hưởng đến nguồn tài chính của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đồng thời kéo giảm hoạt động của ngành Du lịch nói chung - doanh thu ngành Du lịch Long An nói riêng.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, để thu hút du khách đến với Long An trên cơ sở vẫn đảm bảo an toàn cho du khách và nhân dân, giúp du lịch Long An sớm hồi phục kinh doanh ổn định trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì vấn đề xây dựng các điểm đến an toàn, hấp dẫn luôn được ngành Du lịch Long An chú trọng. Trên cơ sở Bộ tiêu chí đánh giá an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Long An đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11264/QĐ-UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai văn bản hướng dẫn các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19" trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Long An tại Hướng dẫn số 2656/HD-SVHTTDL ngày 12/11/2021; ban hành công văn số 2578/SVHTTDL-QLDL ngày 15/11/2021 gửi đến các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh về việc tự chấm điểm mức độ an toàn trong phòng chống dịch; triển khai Văn bản số 2663/SVHTTDL-QLDL ngày 23/11/2021 hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý khi có F0 tại các đơn vị kinh doanh du lịch. Qua việc triển khai các văn bản trên đã giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch chủ động hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh, khởi động lại hoạt động kinh doanh góp phần đưa du lịch tỉnh nhà phát triển.
Để thu hút du khách đến với Long An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị "Liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Long An với Tp.HCM trong điều kiện an toàn thích ứng với dịch Covid - 19" (ngày 31/10/2021) nhằm khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Long An trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ngoài ra Sở phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng Chương trình hoạt động với các nội dung phong phú, đặc biệt chú trọng việc khuyến mại, giảm giá nhằm tăng cường thu hút du khách; xây dựng các gói sản phẩm riêng đặc trưng của từng khu/điểm du lịch nhằm kích cầu thị trường khách nội địa; xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch "an toàn" để chào bán cho du khách, tập trung vào các sản phẩm du lịch nông thôn, trải nghiệm, tham quan, hội nghị. Các chương trình du lịch hướng tới các sản phẩm dịch vụ đảm bảo theo "Bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch đối với hoạt động du lịch" do UBND tỉnh ban hành. Phục vụ khách đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định, khuyến khích du khách đi theo tour trọn gói do các công ty lữ hành xây dựng và chào bán…
Ông có thể chia sẻ thêm về mục tiêu chiến lược của du lịch Long An trong thời gian tới?
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, với tiềm năng đa dạng và phong phú, Long An có điều kiện để phát triển nền kinh tế hỗn hợp nhiều thành phần, trong đó cùng với đầu tư xây dựng các khu du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng cường chất lượng dịch vụ, tỉnh sẽ thu hút được nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước, từ đó sẽ cải thiện tình hình phát triển và tăng doanh thu của ngành, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có triển vọng phát triển, hứa hẹn giữ một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường cảnh quan, văn hoá, xã hội đòi hỏi ngành Du lịch phải có hướng phát triển bền vững về kinh tế, môi trường lẫn xã hội, phát triển du lịch gắn với cộng đồng, tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo giữ gìn tôn tạo môi trường sinh thái, di tích lịch sử, bản sắc văn hoá và các nguồn lực cho thế hệ tương lai.
Trên cơ sở đó, mục tiêu chiến lược của Long An là phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và dựa trên quan điểm phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan môi trường, du lịch văn hóa - lịch sử; trên cơ sở tập trung đầu tư khai thác các tiềm năng của địa phương và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa du lịch Long An với du lịch tỉnh bạn, từng bước đưa du lịch Long An sớm hòa nhập phát triển cùng du lịch trong cũng như ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Long An, tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác, là điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của Tp.HCM.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum