15:40:50 | 26/4/2022
Chuyển đổi số trong ngân hàng đòi hỏi các ngân hàng phải chuyển dịch nhanh chóng, mạnh mẽ sang các dịch vụ số (digital services) trên môi trường trực tuyến nhằm tương tác hiệu quả với khách hàng ở tuyến trước (front-end) cũng như đòi hỏi các thay đổi trong hệ thống xử lý hậu tuyến (back-end processes) để hỗ trợ chuyển dịch ở tuyến trước và nâng cao hiệu quả vận hành nhờ tăng cường số hóa và tự động hóa. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại Việt Nam để đáp ứng những yêu cầu này đang khan hiếm khiến nhiều ngân hàng Việt phải cạnh tranh gay gắt để tìm và giữ chân nhân sự chất lượng cao.
Xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ
Thực tế cho thấy, những ứng dụng từ các công nghệ số mới cùng với sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới trên thị trường như Bigtech/Fintech đặt các ngân hàng trước những cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tích hợp, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên nền tảng số nhằm tối ưu hóa hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Dịch covid 19 cũng được xem là yếu tố thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số với tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 - 5 năm, đặt các hệ thống ngân hàng trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Song song với xu hướng số hóa mạnh mẽ đó, dịch Covid-19 cũng đã tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Số hóa cho phép các ngân hàng tăng hiệu quả và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đồng thời giảm chi phí hoạt động, giúp cải tiến quy trình và hỗ trợ ban lãnh đạo cung cấp dữ liệu kịp thời cho việc ra quyết định. Nhiều hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng như chuyển tiền, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn, kiểm tra thông tin khoản vay… đã cho phép khách hàng thực hiện từ xa và một số nghiệp vụ có thể được thực hiện tự động một phần hoặc toàn bộ trên môi trường số thông qua các công nghệ như AI, tự động hóa quy trình bằng Robot (RPA).
Theo một kết quả khảo sát của NHNN, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số với nhiều ngân hàng đã triển khai các bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, sáng kiến đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có nhiều nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay.
Đào tạo lại là phương án thích hợp
Bên cạnh những lợi ích về hiệu quả vận hành, kinh doanh, chuyển đổi số cũng mang tới thách thức lớn về nhân sự cho phù hợp trong ngành ngân hàng. Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh. Thời gian gần đây, cùng với việc tuyển dụng trực tiếp, trên một số nền tảng tìm việc trực tuyến như Vietnamworks, Jobstreet, Careerlinks… xuất hiện thông báo tuyển dụng nhiều vị trí nhân sự thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, liên quan nhiều đến dịch vụ số như phát triển phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin nhằm phục vụ việc xây dựng, quản trị hệ thống ngân hàng lõi CoreBanking... Nhiều ngân hàng cũng đã sớm có ý thức xây dựng phương án đào tạo, đào tạo lại nhân sự để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, triển khai các phương án, chương trình đãi ngộ, giữ chân nhân sự chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc khan hiếm nhân sự chất lượng cao vẫn khá phổ biến. Vì vậy giữa các ngân hàng đã diễn ra cuộc cạnh tranh nhân sự rất quyết liệt. Thậm chí, sự cạnh tranh nhân sự chuyển đổi số không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng, mà còn giữa ngân hàng với các công ty fintech - những đơn vị chấp nhận trả rất nhiều tiền để thu hút nhân sự chất lượng.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ phải chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng. Bởi vậy, NHNN đã ban hành Quyết định số 1537/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện với nhiều nội dung trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Theo đó, kế hoạch tập trung vào xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động trong ngành ngân hàng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành. Kế hoạch cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng; tăng cường hợp tác, tận dụng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu từ các tổ chức quốc tế...
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, vấn đề nguồn nhân lực được xem là nền tảng phát triển bền vững cho các ngân hàng, tổ chức tài chính. Do vậy, ngành ngân hàng phải chú trọng khâu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể thích ứng được yêu cầu rất cao của cuộc CMCN 4.0. Trong thời gian tới, việc triển khai giải pháp nhằm thích ứng với thay đổi của thị trường nhân lực là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Theo PGS. TS. Định Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, để đào tạo nhân lực số thì Việt Nam phải chú trọng đào tạo, chuyển đổi, nâng cao tay nghề và chuyển hướng cho các nhân viên theo công nghệ cao, có thể phân chia ra thành các loại hình và hình thức nhân viên khác nhau để có những bài toán về đào tạo.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia ngân hàng, để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, các ngân hàng cần xây dựng tầm nhìn và văn hóa của ngân hàng phù hợp với chuyển đổi số như việc xây dựng mô hình ngân hàng số (digital bank), ngân hàng tương tác xã hội (social engaged bank), ngân hàng dựa trên dữ liệu (data-driven bank)... Một văn hóa số sẽ củng cố, truyền cảm hứng cho bộ máy nhân sự của ngân hàng nhằm kiến tạo tư duy số (digital mindset). Để làm được điều này, cần có sự chuyển đổi từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao nhằm tạo chuyển biến nhận thức từ trên xuống dưới, từ cao xuống thấp…
Ngoài ra, có thể cấu trúc bộ máy và sắp xếp lại các bộ phận một cách hợp lý để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới một cách linh hoạt và nhanh chóng; xây dựng mối quan hệ, mạng lưới với các tổ chức, đối tác khác như Fintech, Bigtech, các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo, đi thực tế, thực tập để học tập công nghệ cũng như chuẩn bị nguồn cán bộ dự trù từ đội ngũ sinh viên…
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.