Cùng dự có Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các doanh nghiệp tổ chức sử dụng và cung cấp dịch vụ truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử...
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc kích hoạt toàn quốc hệ thống hóa đơn điện tử là dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số không chỉ của ngành thuế, mà còn với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của ngành thuế trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành với tinh thần là chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, do thời gian nguồn lực có hạn, nên phải có trọng tâm, trọng điểm, và thuế là một ngành hội tụ nhiều yếu tố để đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số. Đây là lĩnh vực quan trọng của tài chính quốc gia, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực này mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác quản lý cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tiết giảm chi phí xã hội, tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình thu thuế.
“Thu thuế phải thu được lòng dân”, lời căn dặn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ngành thuế đã kế thừa, phát triển thành phương châm hành động “Minh bạch-Chuyên nghiệp-Liêm chính-Đổi mới”.
Thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế luôn nằm trong số những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số. Điều này đã tạo điều kiện để thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và góp phần giúp ngành thuế liên tục hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.
Thủ tướng nêu rõ 5 nền tảng cơ bản của ngành thuế: Thể chế quản lý thuế tiếp tục được hoàn thiện, minh bạch, hiện đại phù hợp thực tiễn; thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, phù hợp điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên thông, tự động hóa cao, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin ở mức cao nhất; xây dựng ngành thuế chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, liêm chính, hiệu lực và hiệu quả, chống tham nhũng, tiêu cực; phân cấp phân quyền phù hợp, hiệu quả, nâng cao tính chủ đạo của trung ương, chủ động của địa phương, đi đôi với xây dựng công cụ kiểm tra, giám sát hiệu quả.
Ngành thuế cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm việc kê khai thuế nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất; phấn đấu đến cuối năm 2022, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng số trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn kê khai và nộp thuế điện tử, người dân và doanh nghiệp tự giác nộp thuế.
Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy trong quá trình triển khai thực hiện; coi việc triển khai hóa đơn điện tử tại bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và làm thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế. Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu một cách thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện công tác quản lý thuế mà còn phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ cấp bách khác. Tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống hóa đơn điện tử để hình thành hệ sinh thái dịch vụ thuế thông minh và phải là 1 trong 4 trụ cột của hệ sinh thái tài chính số.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường sơ kết, tổng kết, nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Tài chính, ngành thuế với các bộ, ngành, địa phương, xử lý ngay, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai.
Triển khai hóa đơn điện tử phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế. Đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế và thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành, địa phương; đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số; phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cập nhật các công nghệ mới trong hóa đơn điện tử.
Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử.
Quán triệt quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số. Quan tâm công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ, để cán bộ công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, đặc biệt nguồn lực công nghệ thông tin để triển khai trên cả 63 tỉnh, thành phố với số lượng doanh nghiệp lớn, trải rộng trên nhiều địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương để sử dụng các nền tảng dùng chung tiết kiệm kinh phí đầu tư và nhanh chóng hiện đại hóa.
Thực hiện Luật Quản lý thuế và Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đã triển khai thành công hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định. Đồng thời, hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai hóa đơn điện tử trên cả nước, nhằm mục tiêu đến trước ngày 1/7/2022 bảo đảm bao phủ hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 1/NQ-CP của Chính phủ.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo quyết liệt 6 Cục Thuế nêu trên tập trung cao nhất các nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý kịp thời các vướng mắc thông qua nhiều phương thức như: hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, chatbot... Tổng cục Thuế cũng tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống hóa đơn điện tử 24/7, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt, không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính đến hết quý I, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý hơn 58 triệu hóa đơn trong đó: có 44 triệu hóa đơn có mã đã gửi cơ quan thuế; hơn 5,5 triệu hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế và 8,6 triệu hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, bổ sung thêm thành viên Tổ thường trực là đại diện lãnh đạo, phụ trách phòng của 8 Cục Thuế (Sơn La, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ) nhằm huy động nguồn lực triển khai có kinh nghiệm quản lý thuế thực tế của một số Cục Thuế đại diện cho các vùng miền trên cả nước. Tổ chức tập huấn chính sách, quy trình nghiệp vụ, quy định về thành phần dữ liệu và một số chức năng cơ bản của phần mềm quản lý hóa đơn điện tử; tổ chức hội nghị trao đổi với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử về kế hoạch, lộ trình, cách thức phối hợp triển khai tại 57 tỉnh, thành phố.
Tổng cục Thuế đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Có thể khẳng định, thành công trong triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 là nền tảng, tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính bao phủ toàn diện của hóa đơn điện tử.
Nguồn: nhandan.vn