Ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế

09:42:56 | 12/7/2022

Với tinh thần nỗ lực, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Cùng với đó, hệ thống Ngân hàng Việt Nam cũng luôn nỗ lực, tích cực tự đổi mới, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Tất cả những điều đó đã củng cố vững chắc vị thế của ngành Ngân hàng Việt Nam, tạo dựng và duy trì niềm tin bền chặt trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngành ngân hàng đã đi đầu ban hành triển khai chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời. Đến nay, đại dịch Covid -19 đã dần được kiểm soát, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế, ngành Ngân hàng tích cực đồng hành cùng khách hàng, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ phù hợp, thiết thực, giúp khách hàng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động và phục hồi, phát triển.

Đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, tích cực ban hành các văn bản yêu cầu các chi nhánh NHNN, tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Điển hình là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Thông tư 01). Tính đến cuối tháng 3/2022, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 với kết quả:  Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ: lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư hơn 690 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm còn trên 246 nghìn tỷ đồng của hơn 770 nghìn khách hàng; Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ: lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 482 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm còn hơn 20,2 nghìn tỷ đồng của hơn 254 nghìn khách hàng. Kết quả miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay thông thường: Tổng hợp từ báo cáo nhanh của các TCTD, lũy kế đến 04/04/2022, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch khoảng 46.700 tỷ đồng.​

Bên cạnh các chính sách về lãi suất, các TCTD cũng có nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Về phía NHNN, từ năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho các TCTD. Lần 1: Áp dụng từ ngày 01/4 - 31/12/2020; lần 2: Áp dụng từ ngày 01/01/2021 - 30/6/2021; lần 3: Áp dụng từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Đồng thời, NHNN đã thực hiện hoàn phí giao dịch cho NHCSXH khi thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, NHNN đã chủ động, tích cực, khẩn trương ban hành các chính sách; chỉ đạo các TCTD, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó thúc đẩy TTKDTM. Ngoài ra, Napas và các TCTD còn thực hiện các chính sách miễn phí dịch vụ thanh toán như: Miễn phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ.

Tính chung trong 02 năm qua, ngành Ngân hàng đã giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công. Tổng số tiền giảm phí ngành Ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.557 tỷ đồng (tính cả năm 2020 thì con số này sẽ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng). Theo thống kê của NHNN, 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí. 

Để tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được vốn ngân hàng, trong đó có nhu cầu vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng, tránh xa được tình trạng cho vay nặng lãi, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp. 

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19, sớm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bám sát Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm. Đặc biệt là tập trung điều tiết tiền tệ hợp lý, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế; chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; Điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025… Đặc biệt, ngành Ngân hàng tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất.

Về phía các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, cũng cần có kế hoạch tự thích ứng với thực trạng, diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cần chủ động phương án sản xuất kinh doanh mới của mình, tự lực vươn lên, vượt qua khó khăn để trụ vững. Tuy nhiên, nguồn lực hỗ trợ từ ngân hàng vẫn rất cần thiết, vẫn cần được đồng hành theo quan điểm: Chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ để cùng thích ứng và tiếp tục hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.

Với nhiều hoạt động đồng hành thiết thực ngành Ngân hàng đã và đang triển khai đã góp phần ổn định kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 để phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành tín dụng năm 2022

Kinh tế thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường do tác động của đại dịch COVID-19. Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có thể biến động phức tạp; xu hướng tăng lãi suất dự kiến được đẩy mạnh tại các nước đang phát triển khi kinh tế phục hồi và mở cửa trở lại. Giá cả hàng hóa thế giới được dự báo tăng cao, chuỗi cung ứng quốc tế chậm phục hồi sẽ tác động mạnh đến việc kiểm soát lạm phát tại các nước... đặt ra các thách thức cho hoạt động của ngành ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ xây dựng, triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển." 

Với tinh thần và mục tiêu đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết: Trong thời gian tới, căn cứ mục tiêu Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022 tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các TCTD. Theo đó, NHNN sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng ngành, lĩnh vực cụ thể: Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tế; Tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sau khi Chính phủ ban hành Nghị định; Điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục chỉ đạo TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phối hợp Bộ LĐTB&XH tổng kết, đánh giá chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ- CP;  Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực. Kịp thời phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện;  Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số) theo Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các TCTD, Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. ​

Mới đây, Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Có thể thấy, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung, và thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội - NHCSXH) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.

Quỳnh Ngọc (Vietnam Business Forum)