Cà Mau tháo gỡ vướng mắc về thu hút đầu tư

09:00:20 | 11/7/2022

Là một trong bốn tỉnh động lực của vùng Tây Nam Bộ, Cà Mau được đánh giá là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để tạo bứt phá mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, Cà Mau cần có những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ những nút thắt đang là trở ngại đối với các nhà đầu tư.


Khu vực quốc lộ 1A qua địa phận Khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau) được đề xuất hỗ trợ, đầu tư giao thông kết nối đồng bộ.

Tại khu vực Nam Bộ, tỉnh Cà Mau là địa phương duy nhất có ba mặt giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km. Đây cũng là một trong bốn địa phương có ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm với hơn 4.500 tàu cá. Ngoài lợi thế về địa lý, vùng biển Cà Mau còn có tiềm năng lớn về dầu khí; du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái ven biển và tiềm năng phát triển năng lượng sạch…

Nhiều tiềm năng, nhưng chưa thu hút tốt

Vùng biển Cà Mau còn có ba cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), trong đó cụm đảo Hòn Khoai nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể thu hút đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp nước sâu quy mô lớn gắn với tuyến Hành lang ven biển phía nam của tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Trong đất liền, Cà Mau có hai hệ sinh thái đan xen với miệt rừng ngập mặn đặc trưng phục vụ nuôi trồng thủy sản và miệt rừng tràm ngập ngọt gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ.

Nhờ lợi thế ấy mà trong suốt một thời gian dài, Cà Mau trở thành "vựa tôm" của cả nước khi tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình hằng năm cán mốc hơn một tỷ USD; các sản phẩm lúa, cá, rau màu… bảo đảm phục vụ tại địa phương và bán cho các vùng lân cận trong khu vực. Nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng trong nông nghiệp, thủy sản…, sau 25 năm tái thành lập tỉnh, Cà Mau từ địa phương nghèo thuần nông đã có sự đổi thay đáng kể, trở thành một trong bốn tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt hơn 5.800 tỷ đồng, vượt 6,8% kế hoạch; hộ nghèo giảm còn dưới 3%; GRDP bình quân đầu người hơn 54 triệu đồng/năm…

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh, thời gian qua, tỉnh quyết liệt cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử… phục vụ tốt nhất nhu cầu nhân dân và doanh nghiệp. Chỉ riêng năm 2021, Cà Mau có thêm 369 thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và sớm hạn đạt hơn 99%... Nhờ đó, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh Cà Mau đạt 87,92%, xếp hạng 21 trong cả nước, xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả Chỉ số PCI năm 2021 của Cà Mau cũng nhờ đó cải thiện hơn, xếp thứ 32 trong cả nước (tăng 11 hạng) so với năm 2020. Kết quả năm 2021 đánh dấu sáu năm liên tục PCI của tỉnh chuyển biến tích cực về thứ hạng.

Tuyến đường Hồ Chí Minh về Khu du lịch Mũi Cà Mau đang được nâng cấp.

Tuy cải thiện về PCI và nhiều mặt khác nhưng xét trên bình diện chung, nội tại kinh tế Cà Mau vẫn còn bất ổn, nhất là chất lượng tăng trưởng và thiếu hấp dẫn trong thu hút, kêu gọi đầu tư. Điều đó thể hiện rõ trong số thu ngân sách hằng năm của tỉnh với khu vực công thương nghiệp-dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ dao động khoảng 600 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Trong khi đó, thống kê sơ bộ của ngành chức năng tỉnh, trong hơn 100 đơn vị, nhà đầu tư tìm đến Cà Mau khảo sát, có nguyện vọng hợp tác đầu tư từ đầu năm 2021 đến nay, số doanh nghiệp "trụ lại" chỉ đếm trên đầu ngón tay, số ít khác mới đang trong giai đoạn đề xuất dự án và chưa biết khi nào sẽ triển khai…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cũng thừa nhận: Dù ngành chức năng và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, tuy nhiên suốt nhiều năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém đã trở thành "điểm nghẽn" khiến rất ít nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh về tài chính… mở rộng hợp tác, đầu tư tại tỉnh.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Quang Tiền, Nguyễn Anh Minh ví von Cà Mau là "viên ngọc sáng", có thể xem như một "miền Tây thu nhỏ". Ông ấp ủ nhiều ý tưởng để góp phần tạo nên đột phá mới cho vùng đất cuối trời phương Nam, trong đó có việc hợp tác với doanh nghiệp lớn để làm cảng biển tại khu vực biển Tây Cà Mau, làm năng lượng sạch phục vụ sản xuất khí hydro xanh xuất khẩu.

Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, dự tính của ông vẫn chưa thành hiện thực. Nguyên do là các dự án ven biển thường trong phạm vi cửa biển và rừng ven biển, liên quan đến Khu Ramsar, Khu Dự trữ sinh quyển, dẫn đến khó chuyển đổi mục đích đất rừng. Đó là chưa nói đến hạ tầng giao thông còn yếu, chưa bảo đảm kết nối đồng bộ với các trung tâm kinh tế lớn. "Để mời gọi nhà đầu tư thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương, Cà Mau cần có những điểm nhấn để thu hút và ít nhất phải tháo gỡ các điểm nghẽn ấy", ông Minh chia sẻ.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ hai điểm nghẽn lớn nhất đối với Cà Mau là hạ tầng giao thông và quy hoạch. Đó cũng là lý do lãnh đạo tỉnh đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ủng hộ, quan tâm giúp Cà Mau tháo gỡ khó khăn.

Trong lĩnh vực năng lượng, Cà Mau đề xuất bổ sung hơn 20 dự án điện gió (ngoài khơi và gần bờ) với tổng công suất hơn 12.000MW vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Tỉnh cũng đề nghị, bổ sung cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng vào quy hoạch (dự kiến sử dụng sản lượng điện công suất 260MW từ lưới điện quốc gia cho Dự án Nhà máy sản xuất khí hydro xanh), làm cơ sở để Cà Mau quyết định bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch và thực hiện trình tự thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định.

Trong lĩnh vực giao thông, Cà Mau mong sớm có chủ trương sửa chữa, nâng cấp sân bay Cà Mau để đưa vào khai thác, vận hành những chặng đường dài đến Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trọng điểm trong năm 2022, cũng như xem xét cho chủ trương đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2 trong giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau để phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vào Khu Kinh tế Năm Căn; xem xét, bổ sung quy hoạch tuyến đường cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cà Mau cũng mong muốn được cập nhật và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai vào quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chia sẻ, Cảng biển Hòn Khoai có khả năng đón tàu tải trọng đến 250.000 tấn, nằm gần tuyến hàng hải quốc tế. Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, có ý định đầu tư. Một khi được bổ sung thứ tự ưu tiên, Cà Mau sẽ có đủ cơ sở để xúc tiến các thủ tục mời gọi nhà đầu tư chiến lược với cảng này, phục vụ xuất khẩu và trung chuyển hàng hóa xuyên quốc gia.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, nếu không giải quyết tốt điểm nghẽn về giao thông, Cà Mau rất khó thu hút đầu tư để bứt phá. Do đó, một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2021-2025) xác định, là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm phát triển rõ nét các đô thị động lực ven biển tại địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh ■

Nguồn: nhandan.vn